50.000 tỷ đồng tiền gửi bổ sung vào thị trường chứng khoán nửa cuối năm
Thị trường chứng khoán đang vận động đi lên tích cực trong gần 5 tháng qua. Cùng thời điểm, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp.
Nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất khiến mặt bằng lãi suất chạm ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể khiến một lượng tiền gửi không nhỏ hồi quý 4/2022 (kỳ hạn 6 - 12 tháng) chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác với lợi suất cao hơn.
Theo ước tính của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong nửa cuối năm 2023, có khoảng 496.000 tỷ đồng tiền gửi đáo hạn. Một phần trong số này có thể chảy vào thị trường chứng khoán với ước tính khoảng 10% lượng tiền gửi đáo hạn (tương đương 49.000 - 50.000 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, theo thống kê từ NHNN, tính đến cuối tháng 6/2023, lượng tiền gửi dân cư tại các tổ chức tín dụng đã đạt 6,38 triệu tỷ đồng - tăng 8,82% so với thời điểm đầu năm 2023. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn e ngại bất chấp thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh (VN-Index tăng 20% sau 8 tháng).
Nhóm phân tích Yuanta cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Dù vậy nhưng chính sách này vẫn cần xem xét dựa theo động thái tiếp theo của Fed. Yuanta dự báo NHNN có thể giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại tại 4 ngân hàng TMCP nhà nước đang là khoảng 6,3%. Dự báo của Chứng khoán Yuanta cho biết có thể trong nửa cuối năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có thể giảm xuống 6%/năm hoặc còn có thể thấp hơn nữa từ đó hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác hỗ trợ cho việc phục hồi nền kinh tế.