Việc lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường huy động vốn từ phát hành trái phiếu.
Trong báo cáo được công bố mới đây, SSI Research cho biết, năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng trái phiếu - tăng 56% so với năm 2020; số trái phiếu doanh nghiệp phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỷ đồng - tăng 63% so với lượng phát hành ròng năm 2020.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1.390.000 tỷ đồng - tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017 - 2021. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).
Dù tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (năm 2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
SSI đánh giá, sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.
Kỳ hạn bình quân của trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021 giảm xuống 3,86 năm so với mức trung bình 4,32 năm của 2020.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm 82 bps trong năm 2021. Phù hợp với xu hướng đó, lãi suất danh nghĩa bình quân các trái phiếu doanh nghiệp phát hành cũng giảm 111 bps về mức 7,86%/năm - mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong quý IV/2021.
Việc lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường huy động vốn từ phát hành trái phiếu cũng là diễn biến dễ hiểu. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất trái phiếu phi ngân hàng so với lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức rất tốt (4 - 5%/năm) khiến cho nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp cao. Sự gia tăng cả từ phía cung và cầu đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Bước sang năm 2022, SSI Research đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung cầu duy trì ở mức cao. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20 - 25 bps nên chênh lệch lãi suất kênh trái phiếu doanh nghiệp so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao.
Mặt khác, số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266.000 tỷ đồng - tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn rất dồi dào.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP đối với phát triển trái phiếu riêng lẻ sẽ quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi hoặc hủy bỏ giao dịch trên các Sở giao dịch chứng khoán,… để phát triển thị trường thứ cấp.
Nhóm nghiên cứu của SSI cho rằng, nếu những quy định (sửa đổi) trên có hiệu lực, cơ hội huy động vốn trái của các doanh nghiệp sẽ giảm bớt đáng kể. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3 - 5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.
Quỹ Leadvisors gom hơn 5,3 triệu cổ phiếu Xếp dỡ Hải An (HAH)
Thuế VAT 5% với phân bón chính thức có hiệu lực, SSI Research chỉ ra hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn