Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đã để lại cho hậu thế những bài học kinh nghiệm và di sản quý giá về tinh thần dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.
Đi thẳng vào công nghệ hiện đại
Năm 1986, ngành Viễn thông Việt Nam đứng trước sự lựa chọn sống còn khắc nghiệt: Tiếp tục sử dụng công nghệ Analog hay đi thẳng vào công nghệ số khi có tới 98% mạng điện thoại cố định trên thế giới đang sử dụng công nghệ Analog.
Muốn có công nghệ mới phải có ngoại tệ. Trong khi đó, đất nước mới ra khỏi chiến tranh, bị bao vây cấm vận đã 10 năm, kinh tế vô cùng khó khăn. Mạng Analog tại Việt Nam lúc đó vẫn còn khá hiện đại so với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Việc “bắt tay làm ăn với tư bản” để có nguồn ngoại tệ là việc hết sức nhạy cảm.
Đúng thời điểm đất nước hầu như không có vốn ngoại tệ mà lại xoá bỏ mạng lưới cũ, cũng do các nước xã hội chủ nghĩa “mạnh” như Cộng hoà dân chủ Đức, Hungary giúp đỡ, để đi mua thiết bị mới của các nước tư bản thực sự là một việc “động trời”.
Thuyết phục để thuận trên, thuận dưới, thuận trong, thuận ngoài là việc dường như bất khả thi. Nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân đã cùng với tập thể ngành Bưu điện không chọn việc dễ, việc an toàn mà dũng cảm lựa chọn bước đi chiến lược, mang tính đột phá, phá được thế bao vây cấm vận, đưa công nghệ hiện đại nhất vào Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh quan điểm, tầm nhìn của ông Đặng Văn Thân là đúng và đã tạo nên cuộc cách mạng - đổi mới lần thứ nhất trong ngành Bưu điện.
Sự đúng đắn và thành tựu của quyết định mang tính lịch sử này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao với nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, Bưu điện là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng với thành tích là ngành tiên phong, đi đầu trong đổi mới với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, dịch vụ và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Cá nhân Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sự phát triển thần tốc của Bưu điện Việt Nam trong những năm 1990-2000, gấp 4 lần trung bình khu vực châu Á và gấp gần 10 lần trung bình thế giới, cũng được Liên minh Viễn thông quốc tế thừa nhận.
Chọn viễn thông quốc tế làm khâu đột phá
Cần ngoại tệ để phát triển ngành trong lúc đất nước còn rất nghèo, lại bị bao vây cấm vận. Không những thế, điều kiện bảo lãnh qua ngân hàng để vay vốn quốc tế chưa có, tài sản thế chấp cũng không có gì. Bên cạnh đó, phải tính đến việc làm thế nào để các thế hệ sau khỏi chịu nợ nần... Đây là thách thức tưởng như không thể vượt qua!
Với tinh thần tự lực, tự cường không ỷ lại, chờ đợi cấp trên, chờ đợi đầu tư của Nhà nước, ông Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo ngành Bưu điện đã cùng bàn bạc, quyết định giải pháp chính cần phải thực hiện.
Thứ nhất, không xin tiền mà xin cơ chế! Mạnh dạn xin Nhà nước cho phép hoạt động theo cơ chế tự vay, tự trả với sự bảo trợ của Nhà nước.
Thứ hai, mạnh dạn hội nhập quốc tế, tìm các đối tác nước ngoài, những tập đoàn Bưu chính Viễn thông mạnh, có tiềm lực về vốn và công nghệ cao để hợp tác, lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá để thu hút vốn nước ngoài phục vụ đầu tư phát triển trong nước theo phương châm “lấy ngoài nuôi trong”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân, ngành Bưu điện đã dũng cảm hội nhập quốc tế, được áp dụng lần đầu tiên cơ chế tự vay tự trả để tạo nguồn vốn phát triển; đã nhạy bén, kịp thời vận dụng phương thức thu cước các cuộc gọi từ người nhận ở nước ngoài để tăng nguồn ngoại tệ; đề xuất một số cơ chế tạo vốn nhanh chóng từ các khoản vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh và do ngành Bưu điện tự trả.
Kết quả nổi bật là bản hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Tổng cục Bưu điện với Telstra (Australia) vào năm 1988, một hình thức đầu tư nước ngoài chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Tiếp đó, năm 1995, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng ký một hợp đồng hợp tác kinh doanh với hãng Comvik (Thụy Điển) để xây dựng nên mạng MobiFone hiện nay. Tổng vốn đầu tư nước ngoài mà ngành đã huy động được là gần 250 triệu USD trong giai đoạn đầu.
Chính nhờ những cơ chế chính sách đột phá, ngành Bưu điện đã có nguồn lực để hiện đại hoá mạng lưới rộng khắp cả nước, cung cấp đa dịch vụ, quản trị tiên tiến và xây dựng được các doanh nghiệp viễn thông lớn mạnh như ngày nay. Bài học từ đổi mới lần thứ nhất của ngành Bưu điện chính là nguồn lực đến từ tư duy và thể chế.
Tận dụng cơ hội và lợi thế của người đi sau để phát triển bứt phá
Đổi mới viễn thông lần thứ nhất cách đây đã hơn 35 năm, là chuyển đổi thiết bị viễn thông, hạ tầng viễn thông từ thế hệ cũ, lạc hậu Analog sang thế hệ số. Cuộc đổi mới lần một đã xây dựng hạ tầng viễn thông Việt Nam hiện đại, đã giải quyết bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Linh hồn, hạt nhân lãnh đạo của đổi mới lần một là Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Người trong ngành gọi một cách rất thân thương là anh Ba Thân, chú Ba Thân.
Đổi mới viễn thông lần thứ hai là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số. Có thể coi đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều.
Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Kế thừa và phát huy tinh thần đổi mới của 30 năm trước, ngành TT&TT đang đổi mới lần hai với phương châm “Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ” để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, qua đó có cơ hội hiện thực hoá giấc mơ một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Trong đó, hạ tầng phải là hạ tầng số với nền tảng số là thành tố mới, có vai trò đột phá, để thực hiện chuyển đổi số toàn dân, toàn diện nhanh chóng như công cuộc số hoá 30 năm trước đã góp phần phổ cập điện thoại.
10 năm, 20 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; từ báo chí sang truyền thông số; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển.
Việc thì mới, thách thức thì mới, nhưng cách mà chúng ta tạo ra những chuyển dịch này thì không mới. Vẫn phải là tinh thần, đạo đức và phong cách của chú Ba Thân: “dám dấn thân”, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám đổi mới”, “dám chịu trách nhiệm”.
Nguồn lực để phát triển là vấn đề muôn thuở và của mọi ngành. Bài học từ đổi mới lần thứ nhất của ngành Bưu điện chính là nguồn lực đến từ tư duy và thể chế. Tư duy ở đây là cách làm mới, phương thức mới. Cơ chế mới ở đây là các quy định mới, những thử nghiệm đột phá mà ngày nay gọi là sandbox, để cho phép thực hiện những điều vốn khó được chấp nhận, chưa được chấp nhận rộng rãi, một cách có kiểm soát, qua đó khơi thông nguồn lực, dẫn dắt nguồn lực và đưa vào cuộc sống những đổi mới, sáng tạo thay đổi đất nước.
Những bài học từ cuộc đổi mới lần một của thế hệ Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân sẽ vẫn còn nguyên giá trị cho lần hai. Đó là hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực, điều hành quyết liệt và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho ngành, cho đất nước.
Ông Đặng Văn Thân, sinh ngày 06/11/1932 tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô cũ trở về nước, ông công tác tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, ông được cử trở lại miền Nam công tác với cương vị Giám đốc Trung tâm Viễn thông II.
Năm 1984, ông được điều động ra Hà Nội và giữ trọng trách Quyền Cục trưởng, rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện năm 1986, Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.
Ông mất tháng 5/2023 tại TP.HCM, hưởng thọ 91 tuổi.
Hoàng Sơn