Công nghệ

Đầu tư 6 tỉ cho một thạc sĩ chế tạo vệ tinh, về nước lương chỉ 8 triệu đồng

Tienphong.vn 24/07/2025 18:04

Chúng ta tốn 5-6 tỉ đồng để đào tạo một thạc sĩ vũ trụ ở nước ngoài, nhưng về nước lương chỉ 7-8 triệu đồng” – PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nói thẳng tại toạ đàm do báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/7. Ông kêu gọi xây dựng chiến lược dài hạn đến năm 2050, cơ chế tài chính bền vững và một cơ quan điều phối quốc gia để ngành công nghiệp vũ trụ không "lỡ chuyến tàu 1.400 tỉ USD" toàn cầu.

Cần chiến lược dài hạn và chính sách đãi ngộ

Ngày 24/7, Báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới”.

Từ thực tế của người trong cuộc, PGS.TS Phạm Anh Tuấn thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cốt lõi, từ chính sách đãi ngộ nhân tài, sự thiếu vắng một chiến lược dài hạn có cam kết tài chính, cho đến sự cần thiết của một cơ quan điều phối tầm quốc gia. Ông bày tỏ: "Tôi liệt kê rất nhiều khó khăn, nhiều lần rồi", "kêu mãi rồi".

Theo ông Tuấn, một trong những rào cản liên quan đến bài toán nhân sự, cơ chế con người. Ông so sánh: chi phí đào tạo một kĩ sư, thạc sĩ chuyên sâu về lĩnh vực vũ trụ tại nước ngoài “rất đắt, tốn tiền”, gần 5 – 6 tỉ đồng cho một người. Tuy nhiên, về nước làm việc chỉ nhận mức lương khởi điểm theo bảng lương chung của Nhà nước, khoảng 7-8 triệu đồng, chưa nhận được ưu đãi gì. Điều này dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám, các nhân sự được các tập đoàn mời làm việc.

Một "điểm nghẽn" khác là “không có một sự đầu tư dài hạn, cứ làm được dự án này thì thôi”. Dù chiến lược liệt kê rất nhiều đầu việc, nhưng lại không có một kế hoạch tài chính đi kèm.

z6835664221009-c74b1f99561b019a990db92b1ded780f.jpg
PGS.TS Phạm Anh Tuấn trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: Duy Phạm

Từ việc chỉ ra những khó khăn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn đề xuất, Việt Nam không chỉ cần xây dựng chiến lược ngắn hạn 10 năm, mà phải xây dựng chiến lược dài đến năm 2040, 2050 và có cơ chế đảm bảo tài chính đi theo chiến lược, kế hoạch.

Cần có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược này. Đồng thời, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo con người dài hạn để tạo ra những "tổng công trình sư", những người có thể dẫn dắt các dự án lớn.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW là cơ sở chính trị lần đầu tiên xác định rõ công nghệ vũ trụ là động lực tăng trưởng kinh tế. Không gian vũ trụ cần được xem là một trong 5 không gian chiến lược của Việt Nam, bên cạnh không gian đất, biển, trời và không gian mạng. Ông đề xuất đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần tới để tạo bước tiến dài hạn cho ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế vũ trụ

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam hiện mới chỉ là một cơ quan phối hợp liên ngành, hoạt động “ở mức như một ban chỉ đạo”. Hoạt động vũ trụ trong các lĩnh vực như dân sự, an ninh – quốc phòng đang còn phân mảnh. “Bên dân sự làm mảng này, an ninh quốc phòng làm mảng này. Vậy ai điều phối việc?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Để tránh sự đầu tư trùng lặp, thiếu sự đồng bộ, lãng phí nguồn lực quốc gia, ông Tuấn đề xuất xây dựng một cơ quan chuyên trách, điều phối. “Nếu được, xây dựng hẳn cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia”, ông nói.

Ông Tuấn cũng dẫn chứng mô hình của một số nước, như Philippines có Luật vũ trụ rõ ràng, một cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia trực thuộc Chính phủ để điều hành tập trung. Cuối cùng, ông Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế vũ trụ.

Ông Tuấn chỉ ra rằng, kinh tế vũ trụ toàn cầu được dự báo đạt 1.400 tỉ USD vào năm 2030, và các tập đoàn lớn, tỉ phú công nghệ hàng đầu thế giới đều đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Nếu không tận dụng cơ hội, Việt Nam sẽ tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ và chủ quyền không gian.

>>TS. Nguyễn Quân: Việt Nam cần xem công nghệ vũ trụ là mũi nhọn hàng đầu, bên cạnh vi mạch và năng lượng hạt nhân

TS. Nguyễn Quân: Việt Nam cần xem công nghệ vũ trụ là mũi nhọn hàng đầu, bên cạnh vi mạch và năng lượng hạt nhân

Phát hiện ‘kho báu' 700 triệu tỷ USD giữa vũ trụ, NASA tiến hành sứ mệnh chưa từng có

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/dau-tu-6-ti-cho-mot-thac-si-che-tao-ve-tinh-ve-nuoc-luong-chi-8-trieu-dong-post1763280.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đầu tư 6 tỉ cho một thạc sĩ chế tạo vệ tinh, về nước lương chỉ 8 triệu đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH