Alibaba Group Holding Ltd (Trung Quốc) đã công bố tăng trưởng doanh thu Q1/2023 ở mức một chữ số, dấy lên lo ngại về đà phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Báo cáo tài chính mới nhất của Alibaba đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp công ty này có mức tăng trưởng doanh thu ở mức một con số.
Doanh thu dưới kỳ vọng
Cụ thể, "gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba báo doanh thu quý 1 đạt 208,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,6 tỷ USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức dự báo 210,3 tỷ nhân dân tệ của giới phân tích.
Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Alibaba đạt 23,5 tỷ nhân dân tệ (3,3 tỷ USD), cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 16,2 tỷ nhân dân tệ trong Q1/2022, nhờ khoản lãi một lần từ các khoản đầu tư vốn cổ phần.
Alibaba ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng quý thấp nhất kể từ năm 2015. |
Doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trong nước của Alibaba – chiếm khoảng 65% tổng doanh thu – giảm 3% xuống còn 132,1 tỷ nhân dân tệ (18,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, doanh thu mảng điện toán đám mây cũng giảm 2%, đạt 18,6 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD).
Từng là công ty thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, Alibaba đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi 600 tỉ USD sau khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với khu vực kinh tế tư nhân cách đây 2 năm.
Vào thời điểm đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu Ant Group - công ty con của Alibaba - hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 35 tỷ USD với lý do "những thay đổi về quy định". Ant sau đó cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng những yêu cầu từ phía Bắc Kinh.
Ngoài loạt biện pháp siết chặt của Bắc Kinh, "đại gia" thương mại điện tử này cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường 1,4 tỷ dân. Các đối thủ như JD.com, nền tảng Douyin và Kuaishou Technology của ByteDance đang đẩy mạnh thu hút khách hàng và người bán.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại sau 3 năm theo đuổi chiến lược Zero Covid, mở ra hi vọng phục hồi chi tiêu tiêu dùng và lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu ảm đạm từ một trong những ông lớn Trung Quốc như Alibaba cho thấy khó khăn của Bắc Kinh trong việc vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm theo đuổi các biện pháp chống dịch gắt gao. Cùng với đó là xung đột thương mại và tình trạng bấp bênh của kinh tế toàn cầu.
Kế hoạch kinh doanh sắp tới
Alibaba đã công bố kế hoạch tách rời mảng dịch vụ đám mây và xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho các bộ phận hậu cần và tạp hóa.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Alibaba đã thông báo kế hoạch chia tách thành sáu đơn vị trong đợt tái cấu trúc lớn nhất lịch sử. Ngoài Taobao Tmall Commerce Group phụ trách mảng kinh doanh thương mại tại Trung Quốc vẫn sẽ là một đơn vị thuộc sở hữu hoàn toàn của Alibaba Group, 5 đơn vị còn lại đều có thể tìm cách niêm yết và huy động vốn.
Triển vọng về một số đợt IPO khổng lồ đã khiến các chủ ngân hàng và nhà quản lý danh mục đầu tư thèm thuồng. Các công ty tách ra từ Alibaba này hứa hẹn cực kỳ béo bở: chỉ riêng tập đoàn hậu cần Cainiao đã có thể được định giá tới 20 tỷ USD.
Ngày 18/5, Giám đốc điều hành Daniel Zhang đã tiết lộ chi tiết về cuộc tái cấu trúc quan trọng đối với Alibaba, bắt đầu bằng việc nghiên cứu về các đợt IPO cho chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo trong ít nhất 6 tháng tới, tiếp theo là chi nhánh hậu cần Cainiao trong vòng 18 tháng tới.
Đáng chú ý, Alibaba chính thức thông qua việc tách rời bộ phận dịch vụ đám mây thành một thực thể độc lập bằng cách chia cổ tức cho các cổ đông trong năm tới, nghĩa là hãng có thể sẽ từ bỏ quyền kiểm soát đối với một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất của mình.
Theo Giám đốc điều hành Daniel Zhang, việc tách riêng mảng dịch vụ đám mây nhằm đơn giản hóa cấu trúc của công ty và thích ứng với những thay đổi của thị trường. Ông khẳng định một nền tảng đám mây riêng biệt có khả năng vượt qua Alibaba về quy mô nếu có nguồn tài chính bên ngoài phù hợp.
Dù trước đó, các nhà phân tích đều cho rằng các công ty trong lĩnh vực điện toán đám mây tư nhân có thể gặp thách thức so với các đối thủ cạnh tranh do nhà nước hậu thuẫn, bởi sự kiểm soát ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh đối với dịch vụ lưu trữ dữ liệu và internet.
Cuộc đua ‘đốt tiền’ giành thị phần của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
Temu 'đại náo' Việt Nam và thế giới, tài sản tỷ phú Colin Huang diễn biến lạ