Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo bị kẹt lại tại các cảng
Điều này không chỉ giúp ích cho các nhà cung cấp Ấn Độ mà còn hỗ trợ cho người tiêu dùng ở một số quốc gia đang gặp khó khăn.
Mới đây, Ấn Độ đã cho phép các thương nhân vận chuyển các lô hàng gạo trắng non-basmati của họ đang bị mắc kẹt tại cảng do lệnh cấm xuất khẩu đột ngột loại gạo này của Chính phủ Ấn Độ.
Vào ngày 20/7 vừa qua, quốc gia này đã gây bất ngờ khi cấm xuất khẩu loại gạo trắng non-basmati được tiêu thụ rộng rãi để kiểm soát giá nội địa đang ngày một tăng cao.
Động thái này diễn ra sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Lệnh cấm xuất khẩu đột ngột đã khiến hàng nghìn tấn gạo trắng non-basmati bị mắc kẹt tại các cảng, khiến thương nhân đối mặt thiệt hại nghiêm trọng.
Tổng cục Ngoại thương (DGFT), trực thuộc của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, trong tuyên bố mới nhất khẳng định sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa bị mắc kẹt với điều kiện các thương nhân phải trả thuế xuất khẩu trước ngày 20/7, khi lệnh cấm bắt đầu được áp dụng.
Được biết, trước lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7, các chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài sẽ bị đánh thuế 20%.
Theo Prem Garg, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, sau sắc lệnh được ban hành của DGFT, khoảng 150.000 tấn gạo trắng non-basmati sẽ được vận chuyển ra khỏi nhiều cảng khác nhau.
“Ba chiếc tàu đứng yên tại cảng Kandla và rất nhiều container nằm ở các cảng khác nhau, gây ra nhiều khó khăn cho ngành lúa gạo”, ông nói thêm.
Theo ước tính, Ấn Độ chiếm 40% lượng xuất khẩu gạo thế giới với hơn 150 quốc gia, trong đó có một số nước nghèo và dễ bị tổn thương ở châu Phi và châu Á.
Chỉ riêng Thủ đô New Delhi đã xuất khẩu kỷ lục 22,2 triệu tấn gạo vào năm 2022
Sau khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, Ấn Độ vào tuần trước đã áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo đồ và đưa ra giá sàn cho việc bán gạo basmati ra nước ngoài. Điều này nằm trong nỗ lực bình ổn giá gạo trong nước.
Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã gây áp lực lên giá gạo toàn cầu.
Ông Prem Garg nhận định: “Việc cho phép hàng hóa bị mắc kẹt tại cảng được vận chuyển sẽ không chỉ giúp ích cho các nhà cung cấp Ấn Độ mà còn hỗ trợ cho người tiêu dùng ở một số quốc gia đang gặp khó khăn nhất”.
Hầu hết số hàng bị mắc kẹt sẽ được giao đến các nước Đông Phi và Tây Phi.