Cứ 6 người thì có 1 người thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc đổ xô về quê chăm ông bà toàn thời gian để kiếm sống
Không chỉ giúp giải quyết bài toán việc làm, lựa chọn này còn phản ánh nhu cầu gắn kết giữa các thế hệ trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng.
Khi thị trường việc làm tại Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, một xu hướng mới đang lan truyền: giới trẻ trở về quê, sống cùng và chăm sóc ông bà, trở thành những “đứa cháu toàn thời gian”.
Xu hướng này không chỉ giúp họ giải quyết vấn đề thất nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu bầu bạn ngày càng lớn ở người cao tuổi. Những người “cháu toàn thời gian” cung cấp sự gần gũi, hỗ trợ tinh thần và chăm sóc hàng ngày cho ông bà già yếu hoặc tàn tật.
Khác với mô hình “những đứa con toàn thời gian” – chủ yếu chăm sóc cha mẹ còn khỏe mạnh – “cháu toàn thời gian” được xem là biểu hiện của lòng hiếu thảo sâu sắc hơn.
Một người phụ nữ 26 tuổi, sau khi trượt kỳ thi cao học và công chức, không tìm được việc nên đã chấp nhận lời mời của ông để trở về sống cùng gia đình. “Nếu cháu chăm sóc tốt để ông sống thêm vài năm, thì điều đó còn quý hơn bất kỳ việc gì cháu làm ngoài kia”, ông nói.

Cô nhận được 7.000 NDT/tháng (khoảng 25,5 triệu đồng) từ khoản lương hưu 10.000 NDT của ông – mức thu nhập khá so với mặt bằng chung ở Trung Quốc.
Xu hướng này phản ánh thực trạng khó khăn của thị trường lao động trẻ tại Trung Quốc. Tính đến tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16 – 24 tuổi tại khu vực đô thị lên tới 15,8%, tương đương cứ 6 người thì có 1 người thất nghiệp.
Dù trước đây có thể từng được nuông chiều, nhiều người trẻ nhanh chóng thích nghi với vai trò mới: đưa ông bà đi bệnh viện, quản lý thuốc men, sắp xếp sinh hoạt hàng ngày và lo toan việc nhà.
Một số còn giúp ông bà thay đổi lối sống bằng cách đưa họ đến các quán trà sữa nổi tiếng, biến những buổi dạo chơi đơn giản thành trải nghiệm thú vị. Những người khác, hiểu rõ thói quen tiết kiệm của ông bà, đã dẫn họ đến các nhà hàng hiện đại.
Dù nhiều ông bà vẫn giữ thói quen tự lo cho mình, vai trò của những “cháu toàn thời gian” chủ yếu thiên về hỗ trợ tinh thần và gắn kết tình cảm.

Một người trẻ chia sẻ: “Ở nơi làm việc, tất cả những gì tôi nhận được cho những nỗ lực của mình chỉ là những lời hứa suông. Nhưng với tư cách là một cháu toàn thời gian, chỉ cần tôi nói thèm món gì vào tối hôm trước, sáng hôm sau bà đã đi mua rồi”.
Nhiều người nói rằng trải nghiệm này giúp họ trưởng thành hơn và nhìn nhận lại ý nghĩa thật sự của cuộc sống.
Xiaolin (24 tuổi), một “cháu toàn thời gian” khác, tiết lộ với tạp chí Sanlian Life Lab: “Một đời người chỉ có khoảng 30.000 ngày. Với ông bà tôi, mỗi ngày đều là đếm ngược. Tiền thưởng tôi có thể kiếm sau này, nhưng thời gian bên họ – một khi qua đi là mất mãi mãi”.
Xu hướng này cũng làm dấy lên nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một ý kiến cho rằng: “Thuê người ngoài chăm ông bà thì tốn kém, người nhà làm sẽ tận tâm hơn và tốt cho cả hai bên”.
Nhưng cũng có ý kiến phản biện: “Không phải ai cũng có ông bà đủ lương hưu để nuôi cháu. Ông tôi là nông dân, lương hưu mỗi tháng chỉ 100 NDT (tương đương 364.000 đồng).”
Theo SCMP