Theo Reuters, ngày 15/6, Chính phủ Ấn Độ chính thức chấp thuận đề xuất của Cục Viễn thông về việc tổ chức buổi bán đấu giá sóng 5G, và sóng vô tuyến 72097,85 MHz vào cuối tháng 7 tới với thời hạn hiệu lực là 20 năm.
Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng quyết định cho phép phát triển và thiết lập “Mạng cố định riêng” để thúc đẩy làn sóng đổi mới ứng dụng trong thời đại Công nghiệp 4.0 như truyền thông M2M (trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị), IoT (mạng lưới các thiết bị vật lý được kết nối với internet) và AI (Trí tuệ nhân tạo) trong các lĩnh vực như ô tô, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, năng lượng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, phiên đấu giá sẽ được tổ chức cho phổ tần sóng ở nhiều dải như tần Thấp (600MHz, 700MHz, 800MHz, 900MHz, 1800MHz, 2100MHz, 2300MHz), tần Trung (3300MHz) và tần Cao (26GHz) với mức giá khởi điểm là 3,2 tỷ INR (40,6 triệu USD).
Bên cạnh đó, trong tháng 4, Cơ quan quản lý Viễn thông còn khuyến nghị giảm 39% giá dự trữ hoặc giá sàn cho việc bán sóng 5G cho các dịch vụ di động.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Những người đấu thầu thành công sẽ không bắt buộc phải trả trước.
Thay vào đó, họ có thể thực hiện thanh toán thành 20 đợt như nhau hàng tháng. Sau mười năm, các nhà thầu sẽ có tùy chọn từ bỏ phổ mà không còn nghĩa vụ với việc cân đối các khoản trả góp.
Điều này được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa đáng kể các ràng buộc về dòng tiền và giảm thiểu chi phí kinh doanh”.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã quyết định cho phép các doanh nghiệp triển khai “Mạng cố định riêng”.
Các công ty sẽ có thể thu được phổ tần sóng 5G trực tiếp từ Cục Viễn thông để thiết lập mạng lưới riêng của mình nhằm kiểm tra và xây dựng các dịch vụ và mô hình kinh doanh đa dạng trong thời đại mới.
Tuy nhiên, hiệp hội các nhà khai thác mạng di động của Ấn Độ gần đây cho rằng các nhà mạng địa phương sẽ không có động lực triển khai mạng 5G nếu chính quyền cho phép các công ty tư nhân sử dụng mạng 5G riêng của họ vì như vậy sẽ làm giảm doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, từ đó họ sẽ không còn nhu cầu triển khai mạng 5G nữa.
Mặt khác, chính phủ Ấn Độ vẫn cho rằng hệ thống “Mạng cố định riêng” này là phổ tần sinh lợi nhất và trong tương lai nó có thể được triển khai hiệu quả trong môi trường đô thị dày đặc.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã nhanh chóng triển khai trạm thử nghiệm 5G cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cho phép họ thử nghiệm và xây dựng các trường hợp sử dụng dựa trên 5G.
Vì vậy, buổi đấu giá phổ tần 5G cuối tháng 7 tới đây được cho là bước đệm vô cùng quan trọng trong việc phát triển và thiết lập các công ty khởi nghiệp viễn thông trong nước.