Anh hùng tình báo duy nhất Việt Nam từng làm dâu nhà Công tử Bạc Liêu, nguyên mẫu cho bộ phim truyền hình đình đám một thời
Xuất thân trong gia đình danh giá, không chỉ có học vấn, nức tiếng thông minh, bà còn nổi danh hơn vì ngoại hình rất xinh đẹp khiến bao người say đắm.
Thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Thị Phấn là một trong những nhân vật xuất sắc của lịch sử tình báo Việt Nam. Không chỉ nổi bật bởi nhan sắc kiều diễm, bà còn khiến người ta ngưỡng mộ bởi trí tuệ sắc sảo và tinh thần quả cảm hiếm có. Cuộc đời bà là minh chứng cho sự dấn thân không mỏi mệt, góp phần tạo nên hình tượng bất hủ trong tiểu thuyết và bộ phim "Người đẹp Tây Đô".
Hôn nhân trắc trở và cuộc thoát ly ‘đổi đời’
Sinh năm 1918 tại Cần Thơ, bà Lâm Thị Phấn (còn có tên gọi khác là Élise) là con gái đầu lòng của ông Lâm Văn Phận, một nhà giáo và địa chủ có tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Cha của bà cũng là một nhà cách mạng kiên trung, từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ và là người đào tạo nhiều cán bộ chủ chốt cho phong trào Việt Minh ở Tây Nam Bộ như Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng...
Được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục phương Tây chuẩn mực nên ngay từ khi còn nhỏ, bà đã có cho mình một bảng thành tích học tập xuất sắc. Mới 15 tuổi, Élise đã đỗ tú tài, điều hiếm có với con gái thời đó. Không chỉ học giỏi, cô còn nổi danh khắp vùng bởi vẻ đẹp rạng rỡ, thanh tú, từng được tôn vinh là hoa khôi của Trường Taberd Cần Thơ.

Chân dung AHLLVT Lâm Thị Phấn
Năm 17 tuổi, bà Phấn được gia đình bá hộ Phan Văn Bì ở Bạc Liêu – “Vua lúa gạo Nam kỳ” hỏi cưới cho con trai trưởng là Phan Tấn Dĩnh, cháu ruột công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Cuộc hôn nhân mang nhiều tính toán của gia đình nhà trai, kỳ vọng rằng một người phụ nữ xinh đẹp, có học như cô sẽ giữ chân được người con vốn nổi tiếng ăn chơi, đồng thời gánh vác việc quản lý khối tài sản đồ sộ.
Tuy nhiên, làm dâu trong gia đình hào phú không mang lại hạnh phúc như mong đợi. Dưới danh xưng “mợ ba”, bà Phấn phải quán xuyến mọi công việc liên quan đến tài sản, trong khi người chồng thì buông thả, vô trách nhiệm. Không những không biết trân trọng vợ, cậu ba Dĩnh còn nhiều lần cư xử thô bạo, đặc biệt mỗi khi không được cung cấp tiền ăn chơi.
Chính sự ngột ngạt trong hôn nhân cùng những va chạm thực tế với tầng lớp nông dân nghèo đã đánh thức nơi bà lòng trắc ẩn và khát khao thay đổi. Năm 1944, bà quyết định rời bỏ gia đình chồng để đi theo con đường cách mạng. Dù bị truy bắt, giam cầm trong kho củi, bà vẫn may mắn thoát được nhờ sự giúp đỡ của những người tá điền từng được bà cưu mang.

Tới năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu ba Dĩnh do từng cấu kết với thực dân Pháp – bị bắt giữ. Lúc này, Lâm Thị Phấn đã là một chiến sĩ cách mạng. Dù đã từ bỏ cuộc sống cũ, bà vẫn vượt sông, băng đồng suốt đêm để xin tha mạng cho người từng là chồng. Không còn yêu nhưng bà vẫn giữ nghĩa, mong cho ông một cơ hội để sống và làm tròn bổn phận với con.
Nữ tình báo cách mạng xuất sắc và những chiến công hiển hách
Ngày 2/8/1950, bà Lâm Thị Phấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi vào Đảng, bà trở thành cán bộ tình báo chuyên nghiệp mang bí danh Thanh Phong, hoạt động tại Cần Thơ. Bà phụ trách thu thập tin tình báo trong bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp, vận chuyển vũ khí, đưa đường cho đặc công và giải cứu chiến sĩ bị bắt. Em gái bà - Lâm Thị Phết cũng là thành viên trong tổ điệp báo, cùng bà vượt qua muôn vàn hiểm nguy.

Với vẻ ngoài quý phái, kiều diễm, trí tuệ thông minh sắc sảo, bà Lâm Thị Phấn nhanh chóng trở thành nhân vật nổi bật giữa lòng địch khiến quân thù say đắm và được gọi là “thần Vệ Nữ phương Đông”. Dưới vỏ bọc tiểu thư, bà xuất hiện trong các câu lạc bộ sĩ quan Pháp để khai thác thông tin, thuyết phục những người gốc Việt trở về với cách mạng. Một trong số đó là ông Trần Hiến, phiên dịch viên lai Pháp. Từ đồng chí, họ trở thành vợ chồng, sát cánh cùng nhau trong những chiến công âm thầm của lực lượng tình báo Tây Đô.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, bà ra Bắc tập kết và được cử sang Liên Xô đào tạo chuyên sâu về tình báo. Năm 1962, bà trở lại miền Nam, hoạt động trong hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Vẻ đẹp trời phú, khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo, cùng kinh nghiệm chính trị và bản lĩnh vững vàng giúp bà chiếm trọn lòng tin của nhiều sĩ quan, khai thác được nguồn tin chiến lược phục vụ kháng chiến.

Bà từng tham gia các cuộc họp tuyệt mật, xâm nhập sâu vào nội bộ địch mà không để lộ bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào. Đặc biệt, trong thời khắc cuối cùng của chiến tranh, bà đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện buộc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào trưa 30/4/1975, góp phần vào chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam.
Không chỉ là một chiến sĩ tình báo gan dạ, bà còn là người tiên phong trong công tác vận động phụ nữ kháng chiến ở miền Tây, tổ chức huấn luyện và xây dựng hạ tầng cho hoạt động bí mật. Sau ngày thống nhất, bà công tác tại Quân khu 9, nghỉ hưu năm 1984 với quân hàm Thiếu tá.

Với những cống hiến không mệt mỏi, bà được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Về già, bà sống bình dị bên người chồng thứ ba – ông Lê Văn Thích, và qua đời năm 2010, thọ 92 tuổi. Cuộc đời bà là biểu tượng sống động về người phụ nữ Việt Nam tài sắc vẹn toàn, bất khuất vì Tổ quốc – hình tượng “Người đẹp Tây Đô” mãi khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ.
Bài viết sử dụng thông tin tham khảo từ:
Người đẹp Tây Đô, huyền thoại về nữ tình báo xinh đẹp – Pháp luật Việt Nam
Nữ tình báo từng làm dâu nhà Công tử Bạc Liêu, khiến địch mê mẩn là ai? – VTC News