Xã hội

Nữ chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân là ni cô: Được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cống hiến lớn cho ngành tình báo quốc phòng

Thái Hà 23/05/2025 00:08

Năm 2015, bà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Ni trưởng.

Ni cô Diệu Thông tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (sinh năm 1931 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc – nay là tỉnh Đồng Tháp), xuất thân trong một gia đình có truyền thống tu hành và yêu nước.

Cha bà là ông Phạm Văn Vọng, sau này xuất gia và trở thành Hòa thượng Thích Giác Quang. Mẹ bà là bà Tô Mỹ Ngọc, khi viên tịch mang pháp danh Ni trưởng Diệu Tịnh.

Nữ chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân là ni cô: Được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cống hiến cho ngành tình báo quốc phòng - ảnh 1
Ni cô Diệu Thông thời trẻ và ảnh bà mặc quân phục khi công tác tại Phòng Tham mưu – Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Phong

Năm 7 tuổi, bà xuất gia, lấy pháp danh Diệu Thông, sau đó được cha đưa ra Huế học đạo. Trong thời gian ở Huế, khi tuổi đời còn rất nhỏ, bà đã trở thành giao liên, đảm nhiệm việc tiếp tế lương thực và thuốc men cho nhân dân, bộ đội.

Năm 28 tuổi, bà trở về Nam và xin cha mẹ dựng một ngôi chùa mái lá, đặt tên là Bổn Nguyên. Dưới mái chùa đơn sơ, đêm đêm vọng tiếng cầu kinh niệm Phật, bà vừa chăm chỉ may cờ, in ấn tài liệu, vừa bí mật chuyển thư từ cho cách mạng và nuôi giấu cán bộ trong tầng hầm chùa.

Từ vai trò giao liên, năm 1960, bà gia nhập lực lượng F100 thuộc Đội Biệt động thành, hoạt động dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Đức Hùng – Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Bà chính thức trở thành chiến sĩ tình báo.

Không khoác lên mình màu áo lính nhưng bà âm thầm thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tình báo, đồng thời tự làm nhang đèn để bán lấy tiền gây quỹ cho đơn vị. Khi nhận nhiệm vụ từ tổ chức, ni cô Diệu Thông thâm nhập hàng ngũ địch, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quân sự quan trọng do địch chiếm đóng. Các tài liệu bà cung cấp giúp lực lượng biệt động lập kế hoạch tấn công Thượng viện, gây thương vong lớn cho hàng chục sĩ quan đối phương.

Nữ chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân là ni cô: Được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cống hiến cho ngành tình báo quốc phòng - ảnh 2
Ni cô Diệu Thông hiện tại. Ảnh: Báo Dân Trí

Với y phục tu hành, bà dễ dàng di chuyển và tránh được sự nghi ngờ, đồng thời trở thành cầu nối tin cậy cung cấp thông tin mật cho lực lượng biệt động. Ngôi chùa do bà dựng cũng trở thành căn cứ bí mật để trao đổi phương án tác chiến.

Tuy nhiên, hoạt động dày đặc khiến chùa Bổn Nguyên lọt vào tầm ngắm của quân địch. Không thể phá bằng vũ lực, chúng cho người đốt chùa và cả những căn nhà lân cận. Trên tro tàn ấy, ni cô Diệu Thông không lùi bước, tiếp tục dựng nên chùa Tam Bảo Tự. Ngôi chùa này sau đó cũng liên tục bị phá hoại.

Trong một trận càn lớn, bà và một số tu sĩ bị bắt và tra khảo nhưng do không có bằng chứng, bà được thả. Để tránh bị theo dõi, bà chuyển công tác về Lữ đoàn 316, tiếp tục làm nhiệm vụ trinh sát, yểm trợ hậu cần cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Trong màu áo lam, bà bền bỉ hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Sau 1975, bà tiếp tục công tác tại Phòng Tham mưu – Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh đến năm 1982 thì nghỉ hưu, an trú tại chùa Trúc Lâm (quận Gò Vấp). Cuối năm 2011, bà về chùa Thất Bửu (TP. Long Xuyên, An Giang), xuống tóc tái xuất gia, gửi trọn phần đời còn lại tại tư thất. Năm 2015, bà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Ni trưởng.

Với những đóng góp lớn lao, năm 1985, Ni trưởng Diệu Thông được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 2011, bà được Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) tặng kỷ niệm chương vì những cống hiến cho ngành tình báo quốc phòng. Năm 2021, bà được Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực vinh danh “Hiền tài nước Việt” vì thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và thống nhất đất nước.

Nữ chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân là ni cô: Được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cống hiến cho ngành tình báo quốc phòng - ảnh 3
Ni cô Diệu Thông là nguyên mẫu nhân vật ni cô Huyền Trang. Ảnh: Internet

Ni trưởng Diệu Thông là nguồn cảm hứng để giới điện ảnh xây dựng hình tượng cho nhân vật chính của bộ phim Biệt động Sài Gòn với tên gọi Huyền Trang. Trong phim, ni cô Huyền Trang đã hy sinh, nhưng ngoài đời, nguyên mẫu thực sự – Ni trưởng Diệu Thông vẫn đang an tọa tại một tư thất của An Giang.

>> Anh hùng tình báo lừng danh của cách mạng Việt Nam: Là thầy của nhiều huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, được trao tặng Huân chương Sao Vàng

Vị Đại tá được mệnh danh là ‘soái ca’ của chiến trường Điện Biên Phủ: Chiến sĩ pháo thủ nổi tiếng với khẩu sơn pháo 75mm, từng được đích thân Bác Hồ khen ngợi và tặng huy hiệu vì lập đại công

Chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hy sinh khi mới 22 tuổi, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nu-chien-si-tinh-bao-dac-biet-nhat-viet-nam-xuat-than-la-ni-co-duoc-tang-huan-chuong-khang-chien-hang-nhat-cong-hien-cho-nganh-tinh-bao-quoc-phong-143007.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nữ chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân là ni cô: Được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cống hiến lớn cho ngành tình báo quốc phòng
    POWERED BY ONECMS & INTECH