Hai nhân vật huyền thoại của Việt Nam hội ngộ trong một khung hình: Người là anh hùng 7 lần bắn rơi máy bay địch, người là huyền thoại của ngành tình báo
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai huyền thoại hội ngộ đã trở thành biểu tượng sinh động cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Một bức ảnh - hai con người, hai chứng nhân của lịch sử hiện lên mộc mạc, thân thương, trên khuôn mặt hằn in những dấu vết của thời gian: bên trái là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy; bên phải là Đại tá, Cụm trưởng tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu - người được biết đến với bí danh Tư Cang.
Không cần quân phục, không cần những lễ nghi trang trọng, chỉ bằng ánh mắt, nụ cười và cái siết tay lặng lẽ, hai người lính ấy đã trở thành biểu tượng, chứng nhân cho những năm tháng không thể nào quên của dân tộc.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - Huyền thoại của bầu trời
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (1936-2019) là một trong những phi công huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác trong lực lượng Bộ binh. Đến năm 1960, ông được chuyển sang Không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực tại Liên Xô. Ông kiên trì học tập, nỗ lực phấn đấu với mục tiêu góp phần đánh thắng giặc xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước.
Ban đầu, ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành xuất sắc chương trình học lái Mig-17 và trở về nước nhận nhiệm vụ chiến đấu. Hằng ngày, ông không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ thuật và chiến thuật để đánh thắng không quân Mỹ.
Từ năm 1965 đến đầu năm 1967, ông tham gia chiến đấu trong 7 trận, góp phần cùng biên đội bắn rơi 12 máy bay địch, trong đó riêng ông bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Có lần, trên vùng trời Vĩnh Phú, Việt Trì, ông cùng biên đội chủ động tấn công đội hình địch đông đảo, có cả F4 và F105. Khi bị địch bám đuôi, ông bình tĩnh quay đầu, đối mặt để giành thế chủ động và tiêu diệt đối phương.

Ngày 7/10/1965, máy bay của ông bị trúng tên lửa, thủng 84 lỗ, cả nắp buồng lái cũng bị thủng. Trong tình thế mất thăng bằng nghiêm trọng, ông bình tĩnh điều khiển máy bay nương theo chiều gió, giữ thăng bằng và hạ cánh an toàn. Gần một năm sau, trên bầu trời Nam Hà (tỉnh Nam Định và Hà Nam ngày nay), ông cùng đồng đội cắt đường bay, đón đầu, bắn hạ gọn hai chiếc F8 của Mỹ.
Ngày 16/9/1966, khi 16 máy bay địch (F4, F105...) xâm phạm vùng trời Chí Linh (Hải Dương), ông Bảy cùng biên đội linh hoạt cơ động, giữ vững đội hình, phối hợp nhịp nhàng, giành thế chủ động, buộc địch phải chiến đấu bị động và bắn rơi một chiếc F4, trở về an toàn.
Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 1/1/1967.
Sinh thời, phi công Nguyễn Văn Bảy là người duy nhất sử dụng Mig-17 bắn rơi 7 máy bay địch. Chiếc Mig-17 tuy thô sơ và kém xa về kỹ thuật, tính năng chiến đấu so với máy bay Mỹ, nhưng ông đã sáng tạo ra cách đánh quần thảo, bám sát sau lưng địch để tiêu diệt. Chính ông là người khai sinh lối đánh "du kích trên không" mà các thế hệ phi công sau này đều học tập.


Ngày 22/9/2019, ông Nguyễn Văn Bảy qua đời tại Bệnh viện Quân y 175, TP. HCM, hưởng thọ 83 tuổi.
Anh hùng Tư Cang - Cụm trưởng tình báo H63 huyền thoại
Đại tá Tư Cang (tên thật Nguyễn Văn Tàu, sinh năm 1928, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H63) là một nhân vật lừng lẫy của ngành tình báo Việt Nam, người từng sống trọn những năm tháng trong cuộc đời "hai thế giới đối lập".

Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 trong phong trào Thanh niên Tiền phong. Từ năm 1947 đến 1954, ông hoạt động trong lực lượng quân báo của Việt Minh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, lấy tên mới là Trần Văn Quang, giữ chức Trung đội trưởng trinh sát, sau đó là Chính trị viên đại đội thông tin thuộc Sư đoàn 338.
Năm 1961, ông trở lại chiến trường miền Nam. Trong những năm 1960, cái tên Tư Cang trở thành nỗi ám ảnh đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, trong hồ sơ mật, thông tin về ông chỉ là những dòng mô tả mơ hồ: “Tư Cang - Phó Chính ủy tình báo miền Nam, người trắng, cao, bắn súng bằng 2 tay. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định...”

Trong suốt hơn 10 năm (1962-1972), ông chỉ huy cụm H63, mạng lưới tình báo được đánh giá là một trong những đơn vị hiệu quả nhất, cung cấp nhiều tin tức chiến lược góp phần vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Năm 1971, cụm H63 được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, với Cụm trưởng Tư Cang, cùng các điệp viên nổi tiếng như Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Tám Thảo (Nguyễn Thị Mỹ Nhung) và cô giao liên Nguyễn Thị Ba.
Đặc biệt, kèm theo lá cờ Đơn vị Anh hùng, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn tặng thêm lá cờ thêu dòng chữ “Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi”.
Năm 2006, Đại tá Nguyễn Văn Tàu được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành một trong những cụm trưởng tình báo tiêu biểu và xuất sắc nhất của ngành tình báo Việt Nam.
>> Huyền thoại Anh hùng phi công 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ, từng hội ngộ Bác Hồ sau khi lập kỳ tích