Áp thuế phòng vệ thương mại, ngân sách Nhà nước tăng thu 1.500 tỷ đồng mỗi năm
Hết tháng 9/2024, trong số 29 vụ việc phòng vệ thương mại được Việt Nam khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã áp dụng 22 biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, các hoạt động khởi kiện, điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang được đẩy mạnh nhằm tái lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Điều này xuất phát từ việc một số hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong nước.
Tính đến hết tháng 9/2024, trong số 29 vụ việc phòng vệ thương mại được Việt Nam khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã áp dụng 22 biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu. Cục Phòng vệ Thương mại hiện đang tiếp tục điều tra và rà soát các vụ việc liên quan.
Cụ thể, cơ quan chức năng đang điều tra và rà soát 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2023, đồng thời tiến hành điều tra 2 vụ việc mới và rà soát cuối kỳ 2 vụ khác. Ngoài ra, 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới cũng đang được tiếp nhận và xử lý. Trong số 29 vụ việc điều tra, hiện có 17 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.
"Các biện pháp này đã góp phần tạo ra môi trường thương mại công bằng, ngăn chặn tác động tiêu cực từ hàng nhập khẩu đối với sản xuất trong nước, bảo vệ việc làm và an sinh xã hội, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm", đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho biết.
>> Tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá với thép cán nguội từ Trung Quốc
Ngân sách tăng thu 1.500 tỷ/năm nhờ áp thuế phòng vệ thương mại. Ảnh minh hoạ |
Về công tác kháng kiện, tính đến tháng 8/2024, Việt Nam đã đối diện với 257 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ đối với hàng xuất khẩu của mình. Trong đó, 141 vụ là điều tra chống bán phá giá, 52 vụ điều tra tự vệ, 37 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 27 vụ chống trợ cấp.
Nhằm ngăn ngừa sớm các vụ việc điều tra đối với hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gửi đến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan để theo dõi và phối hợp.
Công tác cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc do nước ngoài khởi xướng đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tránh được thuế phòng vệ thương mại hoặc chỉ chịu thuế ở mức thấp, góp phần duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng nhanh. Trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 279 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, với 3 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 45%.
Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá hay trợ cấp, hoặc khi hàng nhập khẩu tăng đột biến gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Do đó, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được các quốc gia sử dụng phổ biến, đặc biệt là đối với những nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn.
>> Mỹ và EU tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu của Nam Kim (NKG) gặp khó
Tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước chuẩn bị 'hành trang' trở thành TP trực thuộc Trung ương
Nam Định muốn làm tuyến đường sắt hơn 100km nối 4 tỉnh ven biển Bắc Bộ