Ba ngọn núi huyền tích, được xem là các "huyệt đạo" thiêng nhất của Việt Nam
Mỗi quốc gia đều có những con sông, ngọn núi trở thành biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc mình, là điểm tựa, là niềm tin cho dân tộc.
Dọc dài tổ quốc, từ Bắc chí Nam là những dải đồi núi điệp trùng bát ngát. Trong số đó có không ít những ngọn núi huyền tích, linh thiêng, trở thành biểu tượng niềm tin, tín ngưỡng và cũng là đích đến của những trái tim đam mê khám phá, chinh phục.
Trong dòng long mạch, Fansipan, núi Nưa (Thanh Hoá), núi Bà Đen (Tây Ninh) được xem là các huyệt đạo thiêng nhất cả nước.
Núi Ngàn Nưa
Núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với tổng diện tích 100ha. Đỉnh ngàn Nưa có đền Am Tiên là ngọn núi cao nhất trong vùng với độ cao 538m so với mực nước biển.
Tại đây, vào năm 248, Bà Triệu khi dấy binh khởi nghĩa đã cho dựng một ngôi chùa công đức lấy tên “Bích Vân Cung Tự”, tục gọi là chùa Am Tiên. Sau này, người dân trong vùng để tưởng nhớ công ơn của Vua Bà và các tướng lĩnh đã lập đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Nưa, đồng thời xây dựng, khôi phục di tích Am Tiên trên đỉnh núi.
Trên đỉnh Ngàn Nưa, ngoài Am Tiên là nơi thờ Thánh Mẫu, thờ Phật… còn có nhiều địa điểm gắn với các truyền thuyết như: bàn cờ Tiên được lưu truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc; hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn, ai tới giếng cầu xin nước về uống sẽ gặp được điều may mắn... Đặc biệt, từ cổng di tích Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m.
Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam. Tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.
“Nóc nhà Đông Dương” Fansipan
Với độ cao 3.143m so với mặt nước biển, Fansipan không chỉ là ngọn núi cao nhất Việt Nam, mà còn là “nóc nhà” của cả ba nước Đông Dương. Ngọn núi huyền tích này mang trong mình bao bí ẩn lạ lùng, được nhiều nhà nghiên cứu phong thủy đồng tình rằng đây là một trong những điểm mốc của đường đại kinh mạch khởi phát từ nóc nhà Thế giới đến tận Vịnh Mindanao Phillippines, là điểm linh thông giữa đất và trời, hội tụ trong mình đầy đủ tinh hoa, linh khí.
Năm 2018, cùng với hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, tập đoàn Sun Group đã kiến tạo trên đỉnh Fansipan một quần thể tâm linh bao gồm 12 công trình, mang hồn cốt của những ngôi chùa Việt cổ Bắc Bộ thế kỷ XV-XVI. Trong đó, công trình đặc biệt nhất phải kể đến Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5m, được tạo tác từ hàng chục ngàn tấm đồng mỏng, ốp bằng kỹ thuật đặc biệt trên một khung thép có thể tích 1000m3, hiện đang giữ kỷ lục “Tượng Phật A Di Đà bằng đồng ở độ cao cao nhất Châu Á”.
Sự xuất hiện của quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan đã biến nơi đây từ một ngọn núi huyền tích trở thành chốn thiền môn thanh tịnh, nơi du khách và Phật tử lạc bước trong miền tâm linh màu nhiệm, gạt bỏ muộn phiền để thành tâm hướng thiện.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã từng nhận định: “Fansipan - ngọn núi cao nhất trong ngàn vạn ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, đại huyệt mạch của quốc gia, suối nguồn linh khí… Quần thể văn hóa tâm linh, trong đó có hệ thống các chùa như Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Đại Phật Tượng A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát… đã làm tôn thêm cõi tâm linh màu nhiệm của Fansipan hùng vỹ… tiếp tục khơi dậy nguồn tâm linh dồi dào, đem đến sự an lạc cho tất cả mọi người và sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Lào Cai”.
Núi Bà Đen
Núi Bà Đen, xưa kia gọi là núi Một, là ngọn núi cao nhất phía Nam với độ cao 986m. Núi Bà Đen cũng nổi tiếng là một điểm đến tâm linh linh thiêng của vùng đất thánh Tây Ninh, với những điển tích và câu chuyện kỳ bí gắn liền với Bà Đen, người được vua Gia Long phong thánh hiệu "Linh Sơn Thánh Mẫu".
Theo truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Quân lính đói lả, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin giúp đỡ. Đêm đó, Bà Đen hiển linh trong mộng cảnh của chúa và chỉ cho loại trái cây trên núi có thể cứu đói binh sĩ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất điện thờ.
Đến nay, tại lưng chừng núi, ở độ cao 350m, sau nhiều lần trùng tu, xây mới, trên nền xưa của Linh Sơn Tự hiện diện một hệ thống Chùa Bà có tên gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự gồm những ngôi chùa và những di tích như Chùa Bà, chùa Hang, Đông Hoàng Chung, chùa Trung, chùa Mới... vừa thờ Phật vừa thờ Bà Đen. Tại đây, điện thờ Bà mang tín ngưỡng thờ Mẫu, còn ngôi chùa là tín ngưỡng Phật giáo ẩn cư của chi phái Liễu Quán.
Hàng năm, khách hành hương đến viếng chùa, miếu Bà rất đông vào tháng Giêng và vào lễ vía Bà (ngày 5 và 6 tháng Năm âm lịch). Người dân đến cúng bái có thể lên chùa bằng cách leo bộ 1500 bậc đá hoặc qua hệ thống cáp treo hiện đại. Cùng với hệ thống Chùa Bà, công trình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đạt kỷ lục châu Á trên đỉnh núi Bà Đen cũng là điểm đến tâm linh nhiệm màu, mang tới cho du khách chuyến du hành đầy ý nghĩa.