Vĩ mô

Ba yếu tố cần thiết để bộ máy mới sau sắp xếp vận hành hiệu quả

Trường Phong 14/02/2025 14:31

Để bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn đạt được mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng, cần chú trọng vào ba yếu tố, trong đó có công tác cán bộ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, phân tích, hiện nay, Việt Nam có điều kiện thuận lợi về mặt chính trị (chế độ chính trị vững mạnh); nền kinh tế phát triển (tốc độ tăng trưởng kinh tế cao); có sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hơn 100 triệu dân; giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

"Tất cả điều đó tạo thế và lực mới để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới mục đích đưa đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đạt được 2 mục tiêu 100 năm", ông Phúc nói.

Từ đó, theo ông Phúc, những chủ trương lớn của Đảng đang thực hiện, trong đó có "cuộc cách mạng về sắp xếp , tinh gọn bộ máy", để tiếp tục tạo tiền đề, bệ phóng, động lực cho đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Ba yếu tố cần thiết để bộ máy mới sau sắp xếp vận hành hiệu quả ảnh 1
Kỳ họp bất thường lần thứ chín Quốc hội khoá XV dự kiến bàn về công tác nhân sự liên quan sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Như Ý.

Đi vào vấn đề cụ thể "cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy", ông Phúc cho rằng, hiện nay đang làm một cách triệt để ". Đáng lẽ phải làm sớm hơn, nhưng do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, chúng ta chưa thực hiện được triệt để. Lần này, chúng ta thực hiện quyết liệt, triệt để để tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hệ thống chính trị, giúp củng cố niềm tin của nhân dân", ông Phúc phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, sau sắp xếp, cũng không thể "nói một cách chủ quan" rằng, bộ máy mới sẽ ngay lập tức hoạt động trơn tru, hiệu quả.

"Đương nhiên, phải từ từ, từng bước, tinh thần như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là vừa chạy vừa xếp hàng. Chúng ta cứ làm, có vấn đề gì phát sinh sẽ tiếp tục điều chỉnh. Thước đo cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy", ông Phúc chia sẻ.

Để bộ máy sau sắp xếp đạt được mục đích hiệu lực, hiệu quả, ông Phúc cho rằng, cần chú trọng vào ba yếu tố.

Thứ nhất, bộ máy sắp xếp theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhưng cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, không để lấn sân, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đảng không làm thay nhà nước. Phải nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nâng cao vai trò quản lý điều hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.

"Ở đây đòi hỏi phải làm rõ, chuẩn chỉ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Căn cứ vào đó, thực hiện quan điểm một cơ quan, đơn vị làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị, cá nhân phụ trách. Một cơ quan, ví dụ như một bộ, có thể quản lý đa ngành", ông Phúc nói, cho rằng, khi thực hiện sắp xếp, vừa làm vừa điều chỉnh, bộ máy sẽ thích ứng, cái gì cần sẽ bổ sung, không cần thiết sẽ loại bỏ.

Yếu tố thứ hai, theo ông Phúc, là vấn đề đội ngũ cán bộ. Qua sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời cũng tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí lại cán bộ để cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

"Lựa chọn cán bộ là công tác cực kỳ quan trọng, là then chốt của then chốt. Nếu bộ máy sau sắp xếp đã rõ chức năng, nhiệm vụ rồi mà không chọn cán bộ đúng thì cũng không hoạt động hiệu quả", ông Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích thêm, cán bộ phải thực sự có trí tuệ, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất đạo đức, có uy tín trong Đảng, trong dân, trong hệ thống chính trị. Cán bộ phải toàn tâm, toàn ý với công việc được giao, không né tránh, đùn đẩy công việc; phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung.

"Phải chọn những cán bộ như thế thì bộ máy mới tốt được. Cán bộ yếu kém, tiêu cực, không đủ trình độ, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu thì lại 'cản trở' sự phát triển", ông Phúc nói, đồng thời lưu ý, công tác cán bộ giai đoạn này thực sự rất quan trọng, cần thực hiện một cách trong sáng, minh bạch, dân chủ để lựa chọn cán bộ xứng đáng. "Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định, như Bác Hồ từng nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, và việc huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu.

Yếu tố thứ ba, theo ông Phúc, là phải ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện nay, theo ông Phúc, các cán bộ quản lý phải nắm được khoa học công nghệ, phải có trình độ để đáp ứng công việc, đáp ứng những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin hiện đại, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số...

"Phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57. Nghị quyết không chỉ nói về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mà còn nói về vấn đề cán bộ phải đáp ứng được tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay. Nếu không đáp ứng được thì phải 'rút lui' thôi", ông Phúc phân tích.

Từ những yếu tố nêu trên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh, cán bộ mà nghĩ "vào nhà nước để có chỗ trú chân, hưởng lương, an nhàn" thì không được. "Anh nào không biết làm thì cần đứng sang một bên cho người khác làm", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh.

>> Tổng Bí thư: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để sau đại hội càng không làm được

Người nghỉ hưu sớm khi sắp xếp bộ máy được hưởng những quyền lợi gì?

Chính sách với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy: Có thể nghỉ hưu trước tuổi 5 - 10 năm

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ba-yeu-to-can-thiet-de-bo-may-moi-sau-sap-xep-van-hanh-hieu-qua-post1717042.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ba yếu tố cần thiết để bộ máy mới sau sắp xếp vận hành hiệu quả
    POWERED BY ONECMS & INTECH