Tỉnh Bắc Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giám sát mã số vùng cây ăn quả, trong đó xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng nông sản phục vụ xuất khẩu.
Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang về kết quả giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu năm 2023 cho thấy, địa phương này đang duy trì 285 mã số vùng cây ăn quả xuất khẩu.
Trong đó có 223 mã số vùng trồng vải thiều (thị trường Trung Quốc 130, Nhật Bản 38, Mỹ 18, Thái Lan 19, Úc 18); 35 mã số vùng trồng nhãn (thị trường Trung Quốc 15, Mỹ 5, Úc 10, Nhật Bản 5); 22 mã số vùng trồng bưởi (thị trường Nga 19, Mỹ 3); 4 mã số vùng trồng dưa hấu xuất khẩu thị trường Trung Quốc; 1 mã vùng trồng vú sữa xuất khẩu thị trường Mỹ; 40 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu (thị trường Trung Quốc 39, Nhật Bản 1).
Qua giám sát các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện đang duy trì để phục vụ xuất khẩu cơ bản đáp ứng các yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, tại một số địa phương công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu;
Đáng lưu ý vẫn còn hiện tượng mạo danh, mượn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vi phạm quy định về KDTV, an toàn thực phẩm.
Trong năm 2023, phía Cơ quan Kiểm dịch Trung Quốc đã có cảnh báo và có thể thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nếu không có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Trước thực trạng này, ngày 1/12, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang PGĐ Lê Bá Thành đã ký văn bản về việc tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
Để thực hiện tốt việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện, thành phố chủ trì thực hiện thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ cấp mã số và đảm bảo duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.
Thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra để thiết lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung hoặc thu hồi, hủy các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định.
Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu tại địa phương.
Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số về các quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.
Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối của Sở thực hiện tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu của các địa phương.
Đồng thời thực hiện lưu trữ và cập nhật đầy đủ thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tổ chức thiết lập và thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và xử lý các cảnh báo của nước nhập khẩu về việc không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm làm ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Sở NN & PTNT tỉnh cũng giao Chi cục Trồng trọt và BVTV chủ trì hướng dẫn cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tổ chức thiết lập và thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật về xuất khẩu nông sản của nước nhập khẩu, quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; hướng dẫn người dân, doang nghiệp sử dụng phần mềm nhật ký đồng ruộng, phần mềm quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hiện nay, công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật (KDTV), an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Kinh doanh gặp khó, doanh nghiệp sàn HNX vẫn ‘dốc hầu bao’ trả cổ tức 33% bằng tiền
Thủ tướng đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc