Việt Nam có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao, người bệnh ngày càng trẻ hóa, cấp cứu chậm, mất thời gian vàng can thiệp.
Mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ, trong số đó gần 10% là người trẻ. Bệnh nhân đột quỵ mất cơ hội được cứu sống vì đưa tới sai bệnh viện hoặc chậm trễ, sơ cứu không đúng cách.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 ca mỗi năm. Trong đó, khoảng 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam, căn nguyên gây nhiều ca tàn phế.
Vì vậy, bác sĩ Tôn khuyến cáo điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Sau đây là những việc cần thực hiện ngay:
1. Lập tức gọi xe cứu thương: Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất khi người thân của bạn bị đột quỵ. Xe cứu thương sẽ đưa người bệnh đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và làm giảm các tác động của đột quỵ não.
2. Thông báo nghi ngờ “đột quỵ não” với cấp cứu 115: Khi bạn gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
3. Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh: Người thân của bạn có thể không giao tiếp được tại bệnh viện. Vì vậy, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại các thông tin bao gồm thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích cho quá trình điều trị sau này.
4. Để người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy bảo họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, cần nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
5. Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR): Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy ra, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sức tim phổi...
6. Phải bình tĩnh: Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến. Không được cho người bệnh uống thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.
"Thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.