4 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao nhất trong mùa lạnh
Trời càng rét thì nguy cơ mắc bệnh đột quỵ càng tăng cao nhất là đối với những nhóm người này.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
TS.BS Nguyễn Trọng Yên (Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, các nghiên cứu từ trước đến nay đều cho thấy, đột quỵ có mối liên hệ mật thiết với tình hình thời tiết. Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng đáng kể vào mùa đông, dao động từ 15-20%.
Trong quá trình nghiên cứu, giới chuyên gia cũng kết luận có 4 kiểu người dễ bị đột quỵ tấn công mà hầu như không có biểu hiện gì dễ nhận biết. Dưới đây là những nhóm người cần cẩn trọng hơn với đột quỵ vào mùa đông, nhất là trong những ngày trời rét đậm, rét hại.
Nhóm người béo phì
Để xác định mức thừa cân, béo phì, bạn có thể dựa vào chỉ số BMI. Nếu chỉ số này bằng hay lớn hơn 25, bạn đã bị thừa cân. Nếu chỉ số BMI dao động từ 25-29 thì bạn đang bị tiền béo phì và BMI trên 30 bị xem là béo phì.
Cũng giống như hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Do chất béo dư thừa trong cơ thể, tình trạng viêm có thể xảy ra, gây ra lưu lượng máu kém và tắc nghẽn mạch máu - hai nguyên nhân chính gây đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy, người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ cao hơn so với những người có cân nặng bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra, béo phì có thể tăng nguy cơ mắc đột quỵ đến 64%, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi.
Người có cholesterol cao
Nếu tích tụ quá nhiều cholesterol trong máu có thể khiến động mạch bị thu hẹp và cứng lại, khiến máu khó lưu thông lên não. Điều này cũng làm tăng cơ hội hình thành cục máu đông, làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ.
Chưa kể, vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống quá thấp cũng dẫn đến co thắt các mạch máu, hạn chế dòng chảy tự do của máu lên não. Ngoài ra, sự thay đổi của nhiệt độ cũng làm máu trở nên đặc và dễ đông hơn. Kết hợp các yếu tố trên, người bị mỡ máu cao sẽ phải đối diện nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh gấp nhiều lần so với người khỏe mạnh.
Vào mùa lạnh, cơ thể sẽ tự điều chỉnh lượng máu đến tay và chân để ổn định nhiệt độ cho cơ thể. Do lượng máu lưu thông đến các chi giảm gây nên cảm giác tê bì ở tất cả các ngón tay, chân. Mỡ máu cao cũng làm giảm lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể nên sẽ làm tình trạng tê, yếu tay chân trầm trọng hơn.
Người huyết áp cao
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, dù bị huyết áp tâm thu cao hay huyết áp tâm trương cao thì khi huyết áp cao đến một mức độ nhất định đều có thể gây ra đột quỵ. Dù các triệu chứng có rõ ràng hay không, bệnh nhân đều phải kiên trì sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp ổn định, nếu không có thể dẫn đến đột quỵ.
Cao huyết áp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở Hoa Kỳ. "Bạn không thể cảm thấy nó. Nó không gây đau đớn. Vì vậy, mọi người cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này rất quan trọng", GS thần kinh học Brett Cucchiara (làm việc tại Penn Medicine, Mỹ) nhấn mạnh.
Để đẩy lùi tăng huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp thôi thì vẫn chưa đủ để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, đặc biệt cần kết hợp các biện pháp phòng ngừa cục máu đông hay còn gọi là huyết khối trong lòng mạch - tác nhân nguy hiểm gây tai biến.
Người uống nhiều rượu
Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người uống trung bình hơn hai ly rượu một ngày có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn 34% so với những người uống trung bình ít hơn nửa ly một ngày. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người uống rượu nhiều trong những năm 50 và 60 tuổi có xu hướng bị đột quỵ sớm hơn những người uống ít hoặc không uống rượu.
Chia sẻ với Báo VietNamNet, PGS-TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ tại Bệnh viện Quân Y 103 cho biết những trường hợp đột quỵ có liên quan yếu tố rượu bia đa số là ca nặng. Lượng máu chảy thường lớn, ở những vùng nguy hiểm trong não và rất khó cứu chữa. Bệnh nhân không chỉ là người cao tuổi, người có bệnh nền, mà nhiều người trẻ, thậm chí người chưa từng có tiền sử tăng huyết áp cũng xuất hiện tình trạng chảy máu não.
PGS Đài cũng khuyến cáo người dân nên tránh dùng rượu bia, chất kích thích trong thời tiết lạnh, đặc biệt là người có bệnh lý liên quan đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì,…Ngoài ra, nên giữ ấm cho cơ thể, tránh ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần làm ấm cơ thể trước để quen dần với thời tiết.
>> 5 loại đồ uống vừa quen thuộc vừa dễ làm giúp giảm đau họng trong mùa lạnh