Bảo đảm niềm tin cho nhà đầu tư PPP

15-07-2023 09:48|HẠNH LÊ thực hiện

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là “chìa khoá” phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, toàn diện hơn trong khi nguồn lực đầu tư công ngay một lúc chưa đáp ứng được.

LTS: Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trao đổi với DĐDN, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một trong những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo và bước đầu có kết quả tốt. Đặc biệt, hạ tầng giao thông với nguồn lực tư nhân thông qua cơ chế PPP đã tạo thành hệ thống thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng dự án đầu tư mới rất khiêm tốn, các nhà đầu tư chưa thực sự cởi mới với đầu tư PPP, thưa ông?

Cùng với kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình thực hiện đầu tư PPP có những khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, hệ thống thể chế, pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ban hành năm 2020, trước đó chúng ta có Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và những giải pháp tháo gỡ ngay một lúc để thực hiện đồng bộ các luật còn khó.

Thứ hai, tính toán hợp lý nguồn vốn ngân sách (từ đầu tư công) đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư với tỷ lệ bao nhiêu là đủ hay cách thức đầu tư ra sao cho đạt hiệu quả cũng đang vướng. Luật PPP xác định căn bản phần vốn nhà nước trong các dự án PPP là 50 - 50, một số lĩnh vực không quá 70% nhưng trong thực tiễn phần vốn này đang tập trung cho giải phóng mặt bằng. Thực tế, các nhà đầu tư tư nhân trong nước chủ yếu bắt đầu từ nhà thầu và đang trong quá trình chuyển từ tư duy nhà thầu sang tư duy đầu tư. Vấn đề này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Thứ ba, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện PPP, có chỗ tốt nhưng có chỗ chưa tốt. Một số địa phương như tỉnh Quảng Ninh, TP Hà Nội, TP HCM đã thực hiện các dự án PPP khá hiệu quả. Tuy nhiên, câu chuyện này không xảy ra ở các tỉnh thành khác.

Thứ tư, niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế đầu tư PPP. Trong đó cần tìm hiểu cả hai phía: nhà nước xem xét các nhà đầu tư tư nhân thế nào, ngược lại các nhà đầu tư tư nhân đặt niềm tin với nhà nước ra sao; cơ chế chống rủi ro hay việc thực hiện nhất quán các chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp tin rằng đầu tư sẽ có nhà nước bảo trợ, bảo lãnh cho những rủi ro và xử lý kịp thời khi có rủi ro.

- Hướng tháo gỡ cho những tồn tại trên cần được thực hiện ra sao, thưa ông?

Vướng mắc cần được thực hiện từng bước. Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai quyết liệt hệ thống hạ tầng từ đường cao tốc đến cảng biển, cảng hàng không. Quốc hội kịp thời tháo gỡ về thể chế và đang bàn thảo xây dựng luật để xử lý những khó khăn của luật khác.

Các giải pháp cần thực hiện: tiếp tục hoàn thiện thể chế, Luật PPP có một số điểm phải tính toán lại; tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với các dự án PPP, đánh giá thật kỹ những dự án cần đầu tư của nhà nước, dự án cần huy động các nguồn lực khác khi nguồn ngân sách chưa đủ tiềm lực. Trong đó xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực phát triển; các nhà đầu tư tư nhân là lực lượng quan trọng cần huy động tham gia đóng góp phát triển hạ tầng.

 Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Đ.T

Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Đ.T

Cuối cùng là thực hiện nhất quán các chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt là trong việc huy động các dự án đối tác công tư để đảm bảo cho các nhà đầu tư có niềm tin với việc thực hiện các dự án.

- Thưa ông, cơ sở chia sẻ lợi nhuận sau khi thực hiện và đưa dự án vào hoạt động cần được cải thiện thế nào để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân?

Về chủ trương, chúng ta xác định nguyên tắc chung là dự án PPP cần đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích của nhân dân, của đất nước. Vấn đề chia sẻ lợi ích tôi cho rằng, nên thực hiện theo từng dự án cụ thể, ở từng địa bàn cụ thể và cần xây dựng ngay từ đầu. Các bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư cân nhắc đánh giá, tính toán để đảm bảo tốt nhất lợi ích cho các bên, đảm bảo các dự án được xây dựng phục vụ lợi ích của quốc gia, phục vụ tiến bộ công bằng của người dân đồng thời coi trọng thích đáng lợi nhuận của nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!

Vì sao doanh nghiệp ngại dự án PPP?

Thu hút đầu tư hạ tầng giao thông hình thức PPP: Cần cơ chế “sòng phẳng”

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/bao-dam-niem-tin-cho-nha-dau-tu-ppp-247377.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bảo đảm niềm tin cho nhà đầu tư PPP
POWERED BY ONECMS & INTECH