Hiện nay, giá bán bất động sản tại Trung Quốc tăng nhưng lượng giao dịch lại giảm. Các chuyên gia kinh tế dự kiến, các chính sách giải cứu thị trường sắp được tung ra nhằm ổn định đà tăng trưởng.
Có thể thấy, trong giai đoạn đầu năm thị trường bất động sản Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ, cho đến tháng 4, các giao dịch bất động sản bắt đầu sụt giảm bởi nguồn cung nhà mới xây đạt mức thấp kỷ lục tại 30 thành phố lớn trong 5 năm vừa qua. Theo dự đoán, trong năm nay doanh số kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ giảm từ 3 – 5%.
Ổn định vào cuối quý 2
Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, các nhà phân tích của S&P Global Ratings cho thấy lượng giao dịch bất động sản Trung Quốc có mức doanh thu giảm mạnh còn 900 tỷ nhân dân tệ (126,87 tỷ USD), thấp hơn khoảng 1.100 tỷ nhân dân tệ so với doanh thu trung bình mỗi tháng của năm ngoái.
Trong năm 2022, nhằm thúc đẩy nhu cầu thị trường cùng gia tăng tính thanh khoản, chính quyền tại nhiều địa phương của Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách tuy nhiên những chính sách đó chỉ có thời hạn ngắn. Doanh số BĐS đã suy giảm vào tháng 4 bởi tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với khoản chi tiền lớn trong bối cảnh lo ngại về mức thu nhập sau đại dịch.
Đối với thị trường thứ cấp, kể từ tháng 4 số lượng nhà niêm yết giảm mạnh, giá rao bán cũng thấp và lượng giao dịch ngày càng ít. Theo Fitch Ratings chia sẻ, doanh số bán nhà giảm mạnh sau đà phục hồi từ ba tháng đầu năm, điều này thể hiện được niềm tin của người dân vẫn còn khá thận trọng trong tình hình kinh tế bất ổn. Bên cạnh đó, tâm lý đối với thị trường thứ cấp được coi như “hàn thử biểu” trong lĩnh vực bất động sản bởi chi phí giao dịch và nguồn cung không có sự can thiệp của các cơ quan điều hành như thị trường nhà ở mới.
Các chuyên gia cho biết, doanh thu giao dịch nhà tại thị trường thứ cấp có tác động mạnh đến giá bán nhà ở mới. Theo đó, nhà ở thứ cấp chiếm đến hơn 50% trên các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Hiện nay, giá bán bất động sản tại Trung Quốc gia tăng, tuy nhiên doanh số giao dịch ngày càng giảm. Theo các chuyên gia kinh tế của Citi cho biết, dự kiến các chính sách giải cứu thị trường sắp được tung ra nhằm ổn định đà tăng trưởng. Cùng với đó, nhiều giải pháp cũng được các nhà kinh tế đưa ra để hỗ trợ thị trường như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay đối với các nhà phát triển bất động sản cùng đưa giá chiết khấu khi mua nhà thứ hai.
Đánh giá về thị trường trong thời gian tới, Giám đốc nghiên cứu của China Index Academy – ông Chen Wenjing chia sẻ, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể dần ổn định vào cuối Q2 thông qua việc tối ưu hóa những chính sách địa phương cùng với nguồn cung được cải thiện mạnh mẽ nhưng vẫn sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh thị trường.
Thị trường BĐS Việt Nam có nhiều cơ hội
So sánh với thị trường Trung Quốc, bất động sản Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung nhưng nhu cầu lại lớn về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Trong 5 năm trở lại đây, việc cấp phép cho các dự án ngày càng ít, 2 năm gần nhất hầu hết không có dự án mới. Đặc biệt, những dự án có pháp lý hoàn thiện cùng mức giá phù hợp sẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thị trường, với mức giá dao động khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2.
Theo đó, thị trường BĐS Việt Nam có thể sẽ thiết lập mặt bằng giá mới và tiếp tục tăng. Chính mức giá mới này sẽ tái cấu trúc thị trường hiệu quả hơn. Để tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản, TS.Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường BĐS Việt Nam có cơ hội giải quyết những vướng mắc cho thị trường cao hơn so với Trung Quốc.
Cơ quan giám sát tài chính Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch 16 điểm nhằm hỗ trợ thị trường BĐS, trong đó là một gói tín dụng bổ sung cho gói tín dụng đặc biệt để giải cứu các doanh nghiệp… đã đi giải cứu. Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Trung Quốc vẫn rơi vào tình trạng khó khăn.
Ngoài ra, sau khi Trung Quốc giải quyết được 3 vấn đề là thủ tục pháp lý, hệ thống ngân hàng cho vay 1.300 tỷ USD tín dụng đặc biệt để các doanh nghiệp khoẻ mạnh mua lại dự án BĐS của các doanh nghiệp yếu và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án; nhưng cuối cùng, gặp phải trở ngại lớn khác là người dân không có nhu cầu.
Mặt khác, ông Nghĩa cho rằng, tại thị trường Việt Nam, hiện nay phân khúc nhà bình dân, nhà ở xã hội lại đang thiếu cơ chế, đất đai, dòng vốn, nên cần nguồn cung lớn. Do vậy ông tin rằng khi Thủ tướng chỉ đạo tập trung vào ba nguồn lực cơ bản như pháp lý, quỹ đất, nguồn vốn sẽ tạo ra mặt bằng giá BĐS mới và thị trường BĐS phát triển mạnh trở lại.