Bất ngờ về tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam đứng ở vị trí 49/89 nước về tính minh bạch của thị trường địa ốc toàn cầu năm 2024.
Theo như bảng xếp hạng được Hãng dịch vụ bất động sản (BĐS) thương mại và quản lý JLL công bố về tính minh bạch của thị trường địa ốc toàn cầu năm 2024, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí khá "khiêm tốn".
Cụ thể, bảng xếp hạng gồm có 89 quốc gia và vùng lãnh thổ; được xếp hạng dựa trên một số tiêu chí như hiệu suất đầu tư, đặc tính thị trường, pháp lý, dịch vụ, quy trình giao dịch và tính bền vững.
Việt Nam đạt được 4/6 tiêu chí và nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng. Trong đó: Đứng thứ 46 về hiệu suất đầu tư; đứng thứ 60 về quy trình giao dịch; xếp ở vị trí 63 về tính pháp lý và 72 về tính bền vững; hai tiêu chí về đặc tính thị trường và dịch vụ lần lượt đứng ở vị trí 26 và 38. Tổng điểm Việt Nam đứng thứ 49/89, thuộc nhóm thị trường có tính minh bạch trung bình với 3,25 điểm.
>> Lệ phí trước bạ tăng thế nào khi sang tên sổ đỏ theo luật mới?
Đáng nói, trong số 6 nước Đông Nam Á (ĐNA) góp mặt trên BXH, Việt Nam đứng cuối, sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Singapore đứng cao nhất khu vực ĐNA với vị trí thứ 13; lần đầu lọt top thị trường có tính minh bạch cao cùng các nước như Anh, Mỹ, Pháp... nhờ vào việc tập trung vào tính bền vững và các dịch vụ kỹ thuật số.
Nếu chỉ tính ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản có tính minh bạch trong lĩnh vực BĐS cao nhất khi đứng ở vị trí thứ 11; Iraq đứng cuối trong BXH này.
Chuyên gia JLL nhận định, châu Âu vẫn luôn giữ được vị trí là thị trường BĐS phát triển minh bạch nhất; trong khi các nước Châu Á ghi nhận mức cải thiện tính minh bạch trung bình lớn nhất kể từ năm 2022.
Đơn cử như Ấn Độ được xem là nước cải thiện minh bạch tốt nhất nhờ phạm vi dữ liệu rộng, chất lượng cao từ BĐS công nghiệp đến trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, không ít các chuyên gia lo ngại rằng một số yếu tố sẽ tác động đến tính minh bạch của thị trường BĐS toàn cầu, bao gồm tín dụng, vay nợ, rửa tiền.
Trước đó, hoạt động cho vay BĐS đa phần do các ngân hàng quản lý và chi phối nhưng hiện nay bối cảnh cho vay đã mở rộng hơn so với các nguồn tín dụng khác.
JLL nhận định khoảng 3.100 tỷ USD giá trị tài sản là BĐS trên toàn cầu có nợ đáo hạn từ năm 2024 đến 2025 và 2.100 tỷ USD nợ sẽ cần tái cấp vốn.
Do đó, việc đa dạng nguồn vốn vay BĐS có thể giúp thị trường cân bằng hơn, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại mới về tính minh bạch của các điều kiện tài chính.
Một trong những điểm chung trong BXH năm 2024 là việc tính bền vững vẫn nằm trong số tiêu chí kém minh bạch nhất trên toàn cầu.
Trừ những thị trường có tính minh bạch cao, tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu suất xây dựng và công khai sử dụng mức năng lượng của tòa nhà, cảnh báo rủi ro... ở nhiều nước vẫn còn khá hạn chế.
Theo ông Richard Bloxam - Giám đốc điều hành Thị trường vốn JLL, hiện nay các nhà đầu tư đang ngày càng tập trung vào tính minh bạch của thị trường BĐS toàn cầu, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Vì vậy những thị trường có giá cả minh bạch và quy tắc rõ ràng sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi thanh khoản; bởi tính minh bạch của thị trường đóng vai trò quan trọng giữa bối cảnh phạm vi đầu tư tiếp tục được mở rộng cả về chiều sâu và chiều rộng.
>> 4 trường hợp đất lấn chiếm, vi phạm vẫn được xem xét cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024