Bất ngờ với kết quả kinh doanh của các 'ông lớn' ngành chăn nuôi
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong quý II/2024 đã cho thấy một bức tranh đa chiều.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá heo tiếp tục tăng mạnh trong quý II/2024, đạt mức trung bình 68.000 đồng/kg. Cùng với đà tăng giá này, một số doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết trên sàn chứng khoán đã ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) là một ví dụ điển hình. Trong quý II, sản lượng heo của doanh nghiệp đạt hơn 144.000 con, nâng tổng sản lượng lên hơn 252.000 con trong nửa đầu năm, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu từ mảng chăn nuôi heo quý II tăng 4,7 lần, đạt 806 tỷ đồng, chiếm hơn nửa doanh thu của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế của BAF cũng tăng mạnh gần gấp 4 lần, đạt 35 tỷ đồng. Công ty lý giải rằng do giá heo tăng và việc giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm từ 10-20%, đã cải thiện hiệu quả kinh doanh.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Doanh thu từ mảng chăn nuôi tăng 30% trong nửa đầu năm nhờ sản lượng và giá heo hơi ổn định. Đáng chú ý, HPG đã cung cấp gần 300.000 con heo trong sáu tháng đầu năm. Dù doanh thu mảng nông nghiệp chỉ tăng nhẹ 4% trong quý II, đạt 1.542 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt 317% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với những kết quả khả quan trên, Tập đoàn Dabaco (mã chứng khoán: DBC) đã gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi, khiến tổng đàn heo bị sụt giảm. Dù giá heo hơi tăng, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi thuộc DBC vẫn chưa cải thiện đáng kể.
Doanh thu thuần quý II của tập đoàn giảm 8%, đạt 3.185 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 55%, xuống còn 145 tỷ đồng. Ngoài ra, việc không còn ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản cũng là một nguyên nhân khác khiến kết quả kinh doanh đi lùi.
KQKD của Tập đoàn Dabaco (DBC) |
Một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành chăn nuôi cũng không đạt được kỳ vọng trong quý II, chẳng hạn như Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML), CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (mã chứng khoán: VSN), và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG).
Masan MEATLife có doanh thu thuần quý II tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 1.790 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng trong mảng thịt ủ mát và thịt chế biến. Lợi nhuận gộp tăng gấp đôi, giúp MML mang về 428 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí cao từ các chương trình quảng cáo và khuyến mãi đã khiến MML lỗ sau thuế 32 tỷ đồng. Dù vậy, khoản lỗ này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước (lỗ 179 tỷ đồng).
Hoàng Anh Gia Lai thì ghi nhận doanh thu từ mảng bán heo giảm 28%, xuống còn 320 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, lãi gộp lại tăng 67%, đạt hơn 85 tỷ đồng, nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Chủ tịch HAG trước đó cũng nhận định, tăng trưởng theo quý trong thời gian tới với mảng heo sẽ chưa có. Điểm rơi lợi nhuận của mảng heo dự kiến vào quý IV/2024 và đến năm 2025, doanh số heo sẽ vượt doanh số trái cây.
Với VSN, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu là chế biến thịt, do đó việc giá heo tăng cao đã ảnh hưởng tới chi phí đầu vào và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần quý II giảm 11%, đạt 721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 4,5%, đạt hơn 26 tỷ đồng.
Diễn biến giá heo quý II/2024 |
Theo dự báo của VCBS, trong thời gian tới, giá heo có thể tiếp tục duy trì ở mức hiện tại và khó tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân chính là nguồn cung heo từ miền Trung vẫn dồi dào, và giá cả sẽ được điều chỉnh phù hợp để phân phối ra miền Bắc và miền Nam. Thị trường miền Nam còn chịu tác động bởi lượng heo chạy dịch và nguồn cung từ Campuchia, Thái Lan, khiến giá cả khó có thể tăng cao.
Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu đang có dấu hiệu giảm. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đang trong giai đoạn tái đàn, dự kiến phải đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Do đó, giá thịt heo cũng sẽ khó có thể điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian tới.
>>Thắng lớn từ bán heo, Nông nghiệp BAF báo lãi 6 tháng gấp 13 lần