Tài chính Ngân hàng

Bầu Đức: Người từng giàu nhất Việt Nam giờ ra sao?

Hoàng Hiếu 18/12/2024 - 10:08

Từ đỉnh cao người giàu nhất Việt Nam, bầu Đức trải qua cú sốc nợ nần 32.000 tỷ đồng, nhưng vẫn kiên định với triết lý "ngã ở đâu, đứng lên ở đó".

Tuổi thơ cơ cực và con đường khởi nghiệp

Bầu Đức, tên thật là Đoàn Nguyên Đức, sinh năm 1962 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Gia đình ông chuyển đến Gia Lai với hy vọng đổi đời, nhưng cuộc sống vẫn đầy gian khó, gắn liền với cảnh làm thuê, làm rẫy. Là con thứ ba trong gia đình đông anh em, ông gắn tuổi thơ với những ngày nhịn đói đi chăn bò thuê để phụ giúp gia đình.

Ngay từ nhỏ, Đoàn Nguyên Đức đã bộc lộ "tư chất kinh doanh" khi nhận chăn bò cho cả làng để kiếm thêm thu nhập. Cùng lúc đó, ông nổi bật với vai trò "thủ lĩnh" của những trận bóng làng, trở thành tiền đạo chủ lực trong đội bóng quê nghèo.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3, bầu Đức khăn gói vào TP.HCM thi đại học với giấc mơ thoát nghèo. Tuy nhiên, dù ôn thi đến bốn lần, ông vẫn không vượt qua kỳ thi khắc nghiệt. Không đầu hàng số phận, ông quyết định đi làm thuê để tích lũy vốn, và bén duyên với ngành kinh doanh gỗ - bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp.

Bầu Đức: Người từng giàu nhất Việt Nam giờ ra sao?
Hình ảnh gần đây của ông Đoàn Nguyên Đức, nguồn: Internet

>> Bầu Đức bật mí loạt sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn mới 'một vốn mấy lời', hứa hẹn giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đột phá về lợi nhuận

"Ông trùm" ngành gỗ và hành trình xây dựng Hoàng Anh Gia Lai trên đỉnh vinh quang

Năm 1990, ông Đoàn Nguyên Đức mở một xưởng nhỏ đóng bàn ghế học sinh tại Gia Lai. Nhờ sự nhạy bén, năm 1991, ông hợp tác với đối tác Đài Loan, thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Chỉ sau hai năm, Hoàng Anh Pleiku đã xuất khẩu gỗ sang Mỹ, Anh, Đức, trở thành một trong hai vựa gỗ lớn nhất Gia Lai và đưa bầu Đức lên đỉnh cao ngành gỗ thời bấy giờ.

Đến năm 2006, doanh nghiệp của ông được chuyển đổi mô hình thành CTCP Hoàng Anh Gia Lai, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như gỗ, bất động sản, thủy điện, cao su và bóng đá. Năm 2008, HAGL niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), với mã cổ phiếu HAG.

Năm 2008, khi HAGL lên sàn, bầu Đức trở thành người giàu nhất Việt Nam, với tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ hơn 6.160 tỷ đồng, vượt xa ông Phạm Nhật Vượng lúc bấy giờ. Tổng tài sản của ông được ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng, chưa bao gồm cổ phiếu.

Tại thời kỳ hoàng kim, HAGL là một trong những công ty bất động sản lớn nhất cả nước, với nhiều dự án trọng điểm như New SaiGon, Hoang Anh River View, và Phú Hoàng Anh. Bất động sản chiếm hơn 77% doanh thu năm 2009, đạt gần 3.400 tỷ đồng.

Không chỉ là doanh nhân thành đạt, bầu Đức còn ghi dấu ấn sâu sắc trong bóng đá Việt Nam. Ông xây dựng Học viện bóng đá HAGL JMG, mang về huyền thoại Kiatisak và giúp đội bóng vô địch V.League 2003, 2004. Đặc biệt, ông cũng là người tiên phong mời HLV Park Hang-seo, góp phần vào những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam.

Bầu Đức: Người từng giàu nhất Việt Nam giờ ra sao?
Nguồn: Internet

>> HAGL của bầu Đức tiến gần mục tiêu hết lỗ lũy kế, cổ phiếu HAG bật tăng 20%

Từ đỉnh cao xuống vực thẳm và sự tái sinh nhờ nông nghiệp

Năm 2012, HAGL chuyển hướng mạnh mẽ sang nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư hàng tỷ USD trồng cao su tại ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, khi vườn cao su bắt đầu khai thác, giá cao su thế giới lao dốc, khiến tập đoàn mất thanh khoản và đối mặt với gánh nợ khổng lồ. Có thời điểm, tổng nợ của HAGL lên tới hơn 27.000 tỷ đồng.

Để tái cơ cấu, ông Đoàn Nguyên Đức buộc phải bán hàng loạt tài sản, từ bệnh viện, khách sạn đến các dự án bất động sản và cổ phần tại công ty con.

Sau những thất bại, HAGL tái cấu trúc và chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như chanh dây, ớt, đặc biệt là chuối. Đến nay, tập đoàn sở hữu 7.000 ha chuối, chiếm thị phần lớn tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, và mở rộng sang trồng sầu riêng, bưởi.

Bầu Đức: Người từng giàu nhất Việt Nam giờ ra sao?
Diễn biến giá cổ phiếu HAG đến ngày 17/12

Trong 9 tháng đầu năm, HAG đạt doanh thu gần 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 851 tỷ đồng. Với mục tiêu duy trì lãi nghìn tỷ năm thứ ba liên tiếp, doanh nghiệp chỉ còn lỗ lũy kế 626 tỷ đồng.

HAGL đang trong vụ thu hoạch 300ha sầu riêng tại Lào, với dự báo doanh thu vụ đầu tiên đạt 200 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá sầu riêng đang cao, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể vượt kỳ vọng.

Đáng chú ý, bầu Đức đã mời 40 cổ đông lớn và đại diện các nhóm cổ đông tham quan các dự án nông nghiệp tại Việt Nam và Lào từ ngày 13-15/12/2024, nhằm tăng cường minh bạch và kết nối với nhà đầu tư.

Bầu Đức từng có chia sẻ rằng: "Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó. Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng".

>> HAGL: 'Trái ngọt' cuối năm 2024 giúp cổ phiếu HAG bứt tốc

Bầu Đức bật mí loạt sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn mới 'một vốn mấy lời', hứa hẹn giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đột phá về lợi nhuận

HAGL của bầu Đức tiến gần mục tiêu hết lỗ lũy kế, cổ phiếu HAG bật tăng 20%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bau-duc-nguoi-tung-giau-nhat-viet-nam-gio-ra-sao-266493.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bầu Đức: Người từng giàu nhất Việt Nam giờ ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH