Tính riêng quý 2/2022 Becamex lãi sau thuế 415 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex – mã chứng khoán BCM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 trong đó ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.136 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cùng kỳ. Tuy vậy nhờ tỷ lệ giảm chi phí vốn lên đến 51,8% nên dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 743 tỷ đồng – tăng 39,8% so với quý 2 năm ngoái.
Trong quý doanh thu tài chính đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng 58 tỷ đồng, lên 158 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm được 57 tỷ đồng, về mức 108 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm hơn nửa về mức 11 tỷ đồng nhờ khoản hoàn nhập quỹ lương.
Một yếu tố khác tác động lớn tới lợi nhuận trong quý là khoản mục lợi nhuận khác. Lợi nhuận khác trong quý âm hơn 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 94 tỷ đồng, do khoản cho phí khác đến từ chi phí ủng hộ và tài trợ thiết bị phòng chống Covid.
Kết quả, quý 2 Becamex báo lãi trước thuế 507 tỷ đồng. Trừ các loại thuế phát sinh, quý 2 công ty lãi sau thuế hơn 415 tỷ đồng, tăng đến 150% so với số lãi 166 tỷ đồng đạt được trong quý 2/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt 2.262 tỷ đồng, giảm 17,3% so với 6 tháng đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 61,5%, lên mức 725 tỷ đồng, hoàn thành trên 52% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Về danh mục tiền, tiền và các khoản tương đương tiền đến 30/6/2022 đạt gần 2.000 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó ngoài tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thì Becamex còn 1.800 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (giảm 700 tỷ đồng so với đầu kỳ). Tiền gửi dài hạn hơn, đến 12 tháng vẫn duy trì con số 15 tỷ đồng.
Trong khi đó Tổng tài sản công ty đạt 40.500 tỷ đồng. Còn tổng nợ phải trả của Becamex trên 27.300 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó riêng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đã 3.570 tỷ đồng (giảm 450 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 10.261 tỷ đồng (giảm 1.230 tỷ đồng so với đầu kỳ). Tổng tiền đi vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn lên đến 13.830 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của Becamex hiện tại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Bình Dương với dư nợ vay tài chính ngắn hạn hơn 1.600 tỷ đồng. Becamex còn có khoản nợ trái phiếu 1.080 tỷ đồng với BIDV chi nhánh Bình Dương trong khoản mục vay dài hạn.
Các chủ nợ nghìn tỷ còn có Ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Nguyễn Văn Trỗi với dư vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 1.300 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng vay ngắn hạn. Các khoản vay trái phiếu còn rất nhiều ‘chủ nợ” nghìn tỷ như Chứng khoán Navibank (1.950 tỷ đồng), Chứng khoán SmartInvest (1.070 tỷ đồng)…
Becamex TDC muốn vay 450 tỷ đồng đầu tư dự án nhà xã hội tại Bình Dương
Becamex IDC (BCM) muốn huy động thêm 1.080 tỷ đồng trái phiếu để tái cơ cấu nợ