Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) toàn tỉnh có mức tăng trưởng khả quan qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2020, tổng kim ngạch XNK đạt 11.077,06 triệu USD, tăng bình quân 18,34%/năm; trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 7,865 triệu USD, tăng 18,13%/năm; nhập khẩu (NK) đạt 3.213 triệu USD, tăng 18,95%/năm.
Xuất khẩu sang 128 quốc gia, vùng lãnh thổ
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, giai đoạn 2011 - 2020, kim ngạch XK các sản phẩm từ dừa chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, với 27,95%. Dệt may đứng thứ hai, với 23,7%. Bộ dây điện đứng thứ ba, với 20,5%. Túi xách da chiếm vị trí thứ tư, với 11,17%. Hàng rau quả và hàng thủy sản đứng thứ năm và thứ sáu tương ứng 7,94% và 8,6%.
Năm 2011, hàng hóa của tỉnh được XK sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2020, XK sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước châu Á được xem là thị trường XK lớn nhất của tỉnh, chiếm 60,06% trong giai đoạn 2011 - 2020, tương đương đạt 4.723 triệu USD. Các mặt hàng XK chủ yếu là các sản phẩm dừa, cơ khí, điện tử, hàng dệt may, túi xách, thủy hải sản…
Các nước châu Mỹ là thị trường tiềm năng, trọng tâm ở khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ (Hoa Kỳ, Canada). Đồng thời, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được chính thức ký kết vào tháng 3-2018, tạo thuận lợi để đẩy mạnh XK hàng hóa của tỉnh vào thị trường châu Mỹ. Bến Tre XK sang thị trường này các sản phẩm như hàng dệt may, thủy hải sản, sản phẩm từ dừa, nhân điều, trái cây. Kết quả, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 1.617 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,56% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 35,61%/năm.
Các nước khu vực châu Âu được xem là thị trường mục tiêu của tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2020, kim ngạch XK đạt 982,744 triệu USD, tăng 15,9%/năm, chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Mặt hàng XK sang thị trường này gồm: Thủy sản, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, than hoạt tính, trái cây…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu Bến Tre đã đạt được những kết quả nhất định: Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng và có thặng dư thương mại; cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, thị trường xuất khẩu trực tiếp chiếm tỉ trọng cao, thị trường trung gian giảm dần, đảm bảo duy trì được thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng; mặt hàng xuất khẩu có sự đa dạng về chủng loại, hàng qua chế biến tăng dần và giảm xuất khẩu hàng thô...
Tuy nhiên, so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, kim ngạch XNK của tỉnh còn thấp. Kim ngạch XK hiện nay chỉ đứng thứ 6/13 tỉnh, thành trong vùng và chiếm khoảng 6-7% tổng kim ngạch XK của vùng. Kim ngạch NK cũng chỉ chiếm khoảng 5% so với kim ngạch NK của vùng.
Bên cạnh đó, hoạt động XNK của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Thị trường XK hàng hóa mặc dù đã có bước tiến đáng kể, nhưng vẫn ít bạn hàng, phụ thuộc vào chỉ định của bên giao gia công. Nhiều DN còn XK qua trung gian và chưa chủ động được thị trường. Hàng công nghiệp gia công còn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu hàng XK. Tỉnh có nguồn nguyên liệu tôm dồi dào nhưng chưa XK được. Đầu ra một số sản phẩm từ dừa và hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống
Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, bó hẹp trong mô hình kinh tế hộ, do đó, chưa thu hút được DN tiêu thụ nông sản theo liên kết vào chuỗi giá trị. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có bước đột phá mới. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mặc dù đã có nhiều cải thiện, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng cao nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư, DN mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN.
Việc tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn lực của các DN này còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các tuyến đường từ huyện trở xuống còn hạn chế tải trọng làm tăng chi phí vận chuyển... cũng là những nguyên nhân làm hạn chế hoạt động XNK của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,5-14,5%
Theo chiến lược XNK hàng hóa đến năm 2030, tỉnh Bến Tre hướng tới mục tiêu: Phát triển XNK bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường, cán cân thương mại, các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13,5 - 14,5%. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 13,22% và giai đoạn 2026 - 2030 có mức tăng trưởng bình quân 15%.
Phấn đấu nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch XK, với 88% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Nhóm hàng rau quả chiếm tỉ trọng 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Nhóm hàng thủy hải sản chế biến 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030.
Tỉ trọng thị trường XK khu vực Liên minh châu Âu (EU) chiếm từ 14 - 15% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 16-17% vào năm 2030. Khu vực châu Mỹ lên 27-28% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 29-30% vào năm 2030. Khu vực châu Á lên 55-56% trong tổng kim ngạch XK vào năm 2025 và 49-50% vào năm 2030.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, với việc tiếp tục tận dụng được lộ trình miễn giảm thuế quan từ các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực như Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, các hiệp định mới như Việt Nam - EU (EVFTA), ASEAN – Hong Kong (Trung Quốc) (AHKFTA), EVFTA, RCEP… với lộ trình xóa bỏ tới trên 90% dòng thuế, các sản phẩm XK của tỉnh sẽ có xu hướng tăng mạnh, nhất là các sản phẩm như: Sản phẩm từ dừa, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, da giày, dệt may, nông sản và nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ…
Ngành dừa trước ngưỡng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD
Giá heo hơi hôm nay 12/12: tăng rải rác tại miền Bắc và miền Trung