Bên trong bảo tàng trăm tuổi lâu đời nhất Việt Nam rộng gần 7.000m2, là nơi lưu giữ đến 6 bảo vật quốc gia
Bảo tàng này vừa được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.
Chiều ngày 23/11 vừa rồi, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, được khởi công xây dựng bởi người Pháp từ năm 1915 và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1919.
Toà nhà đầu tiên của Bảo tàng được xây dựng vào năm 1915 nhưng từ hơn 20 năm trước đó, nhiều hiện vật điêu khắc Chăm đã được tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã được tập trung về địa điểm này, với tên gọi ban đầu là “công viên Tourane”.
Lần mở rộng thứ nhất của bảo tàng được tiến hành vào những năm giữa thập kỷ 1930 nhằm đủ chỗ để trưng bày thêm những hiện vật mới được thu thập trong những năm 1920, 1930. Không gian của toà nhà bảo tàng gần 1.000m2 đã được bố trí thành những khu vực trưng bày, gồm các Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn , Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Năm 2002, một tòa nhà 2 tầng được xây nối thêm vào phía sau, tăng thêm hơn 1.000 m2 để trưng bày các hiện vật sưu tầm sau năm 1975.
Đến năm 2016, một dự án tổng thể do thành phố Đà Nẵng đầu tư đã trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày với nỗ lực nhằm tạo sự liên kết các tòa nhà của bảo tàng trong một lộ trình tham quan tổng thể, gồm phần trưng bày chính là các bộ sưu tập điêu khắc Chăm và các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm và âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng 2 và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.
Ngày nay, bảo tàng là nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa Chăm Pa lớn nhất cả nước, với tổng diện tích lên tới 6.673m2. Trong đó, 2.000m2 được sử dụng để trưng bày các di vật cổ, còn lại là bộ sưu tập tranh ảnh, tài liệu quý hiếm bậc nhất về nền văn hóa Chăm. Hiện đang đang có khoảng 1.200 cổ vật được lưu giữ bên trong kho một cách cẩn thận và chưa đưa ra trưng bày, hơn 185 hiện vật được trưng bày ở phía bên ngoài, hay khuôn viên của bảo tàng.
Nơi đây lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm. Trong đó có 6 hiện vật được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia bao gồm: Đài thờ Trà Kiệu, tượng Bồ tát Tara, đài thờ Đồng Dương, tượng Gajasimha, tượng Ganesha và đài thờ đá Mỹ Sơn E1.
Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.