Chợ Mơ là một trong những khu chợ truyền thống lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội.
Chợ Mơ trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trước đây là một trong những khu chợ lớn và sôi động, có lịch sử hơn 100 năm, tổ chức 6 phiên mỗi tháng, cung cấp đa dạng các loại hàng hóa. Vào năm 2008, Chợ Mơ đã di chuyển tạm thời đến khu vực bờ sông Kim Ngưu, để đợi xây dựng dự án Trung tâm Thương mại Chợ Mơ. Đến năm 2014, Chợ Mơ truyền thống đã được khôi phục tại vị trí cũ, nhưng đã được chuyển xuống "lòng đất," với hoạt động buôn bán tập trung chủ yếu ở tầng hầm của tòa nhà cao 15 tầng.
Công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ được xây dựng trên diện tích đất 11.000m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng, chợ truyền thống tại Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, ban quản lý mở 3 cổng nổi ở đường Bạch Mai và Minh Khai.
Theo ghi chép, vào khoảng thế kỷ 13, 14, khu vực phía nam Thăng Long, có nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả (còn gọi là quả mơ). Theo tiếng Hán thì "mai" còn có nghĩa là "mơ", vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ. Sau này, chợ Mơ bán nhiều nông sản, thực phẩm, nổi tiếng nhất là những mặt hàng thú vật, cây giống và gia súc.
Chợ Mơ hiện nay được bố trí với tổng số ki-ốt đăng ký kinh doanh là 1.130. Tuy nhiên số ki-ốt kinh doanh thực tế chỉ hơn 300 theo VTC NEWS, đây là địa điểm kinh doanh đa dạng các mặt hàng như quần áo, giày dép, thực phẩm…
Sau 9 năm đưa xuống “lòng đất” hoạt động, hiện chợ Mơ đã dần ổn định, lượng khách đến cũng nhiều hơn so với trước. Nhiều khách hàng người dân sinh sống quanh khu vực hay dân văn phòng đã quen với sự có mặt của khu chợ dưới "lòng đất" thường xuyên đến đây ăn uống, mua sắm.
Bên trong chợ Mơ kinh doanh đa dạng các loại mặt hàng, tuy nhiên từ khi chuyển xuống dưới tầng hầm của trung tâm thương mại người dân cảm thấy việc đi chợ gặp nhiều bất tiện. Từ việc gửi xe cho đến việc phải leo những bậc thang để xuống tầng hầm làm cho các khách vãng lai "ngại" vào chợ, đa phần người đi chợ Mơ là những người lớn tuổi, sinh sống ở khu vực này đã lâu, việc đi chợ trở thành một thói quen.
Theo chia sẻ của một số người dân sống trong khu vực, khu chợ nằm dưới tầng hầm nên không phù hợp với nếp đi chợ hàng ngày của họ. Đôi khi, họ chỉ cần vào chợ mua mớ rau, quả trứng nhưng lại mất tiền gửi xe, mất công đi bộ bậc thang, tìm gian hàng nên rất ngại.
Tuy vậy, đối với những khách là dân công sở làm việc trong tòa nhà như chị Mai Nguyên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì khu chợ là địa chỉ quen thuộc và tiện lợi. "Tranh thủ giờ ăn trưa hoặc tan tầm, mình hay xuống chợ mua những đồ gia dụng hay mua vàng mã, hoa quả", chị Nguyên chia sẻ với Dân trí.