Sống

Bên trong ngôi làng biệt lập từng 'sáu không' bên bờ hồ thủy điện lớn thứ nhì Quảng Nam

Hải Yến 01/12/2023 08:05

Từ ngày thủy điện tích nước, ngôi làng trở thành địa phương 'sáu không'.

Từ ngày thuỷ điện A Vương tích nước, Z’lao trở thành ngôi làng biệt lập giữa núi rừng.

Để đến với làng Z'lao, trước tiên phải vượt đường núi 28 km từ trung tâm huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) mới đến được xã Dang, sau đó để xe máy lại bìa rừng, cuốc bộ thêm 3 km men theo đường mòn mới đến được làng.

anh-1-9001-1543108436

Nhiều năm trước, Ông Bríu Le (người dẫn đường) cho hay tháng 11 thường là mùa mưa, nhưng thời điểm đó thời tiết khắc nghiệt nên trên địa bàn chưa có trận mưa lớn nào. Vì lòng hồ thủy điện cạn nước nên muốn vào Z'lao phải đi bộ thay cho chèo thuyền.

"Cuộc sống của người dân Z’lao vốn nhờ vào thiên nhiên, hàng ngày bà con ra sông A Vương đánh bắt cá, lúa trồng bên khe suối... Tuy nhiên, năm 2003 thủy điện A Vương xây dựng và sau ba năm tích nước đã nhấn chìm đường sá, Z’lao thành ngôi làng biệt lập hoàn toàn giữa núi rừng", ông Bríu Le chia sẻ với phóng viên VnExpress.

Từ ngày thuỷ điện hoạt động, mùa nước cạn thì người dân đi lại bằng đường bộ vào làng, mùa nước dâng lên phải đi bằng thuyền độc mộc làm từ thân cây. Trong làng Z’lao, nhà nào cũng có một chiếc thuyền.

Sau 30 phút vượt chặng đường đồi dốc, ngôi làng người dân tộc Cơ Tu nằm chênh vênh bên lòng hồ thủy điện A Vương hiện ra trước mắt. Làng hướng ra hồ, phía sau rừng bao quanh che phủ với khung cảnh bình yên, không hề có tiếng động cơ xe máy, ôtô; tivi, loa đài... như các ngôi làng khác.

Theo VnExpress, trưởng thôn ông Bhling Ngói cho biết từ ngày thủy điện tích nước thì người dân Z'lao mất nhiều hơn được, ngôi làng này trở thành địa bàn “6 không”: không có mặt bằng dân cư, không có đường giao thông, không điện, không nhà ở ổn định, không có công trình hợp vệ sinh, không có Gươl sinh hoạt cộng đồng.

anh-2-3822-1543108436

"Toàn thôn có 45 hộ dân gần 200 nhân khẩu sống trên một quả đồi, dưới chân núi chật hẹp, nhà cửa san sát. Ruộng nương nằm cách xa khu dân cư nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn", vị trưởng thôn tâm sự.

"Nhiều khi chèo thuyền chở hàng hóa vào làng không may gặp lúc thời tiết xấu, gió lớn khiến thuyền lật, rất may đa số người dân ở đây biết bơi nên thoát chết. Hôm nào gió mạnh quá, mặt hồ nổi sóng thì không ai dám chèo thuyền, bà con đi chở hàng đành ngủ ở lều dựng trên nương rẫy", ông Bhling Ngói kể.

Thu nhập chính của dân làng là trồng rẫy, khai thác các sản vật rừng như mật ong, măng... và đặc sản là rượu nếp. Sản phẩm truyền thống làm ra nhiều nhưng làng bị cô lập nên thương lái không tới mua. Gia đình nào đem ra chợ bán thì không đủ bù tiền vận chuyển, tiền xăng nên mọi người không thiết tha sản xuất, chỉ làm đủ đem bán để mua mì chính, nước mắm...

Trẻ em làng Z’lao lớn lên, muốn đi học lớp một thì phải rời làng, theo học bán trú tại các trường trên địa bàn huyện Tây Giang. Thậm chí, làng Z'lao chưa có mặt bằng để xây điểm trường mẫu giáo nên cấp học mầm non không tồn tại, các em thường được bố mẹ cho ở nhà.

Theo ông Bhling Ngói nói với phóng viên VnExpress, điều khó khăn nhất với người dân là khi trong làng có người đau ốm, phụ nữ chuyển dạ. Lúc đó, thôn phải huy động thanh niên khỏe mạnh đưa người bệnh lên võng khiêng ra đường, sau đó dùng xe máy chở đến trạm y tế.

"Cấp cứu một người trong thôn cũng phải huy động hàng chục người khỏe mạnh khiêng đi. Họ chuẩn bị một chiếc võng và dùng cây gỗ dài khoảng 3 m buộc làm cáng. Đường đi nhỏ hẹp và đầy ổ voi, ổ gà, gặp trời nắng thì đỡ, chứ trời mưa khó khăn đủ thứ", ông nói và cho hay do đường đến trạm y tế quá xa nên có trường hợp sản phụ sinh con dọc đường, đẻ xong rồi mới tiếp tục được khiêng đến cơ sở y tế.

Ông Bríu Cành, Bí thư thôn Z’lao thông tin thêm, sống bên lòng hồ thủy điện lớn thứ hai tỉnh Quảng Nam nhưng "trớ trêu là người dân rơi vào cảnh đói điện".

anh-3-7654-1543108436

"Bà con trước đây hi sinh ruộng nương, cây cối để xây dựng nhà máy nhưng nay không có điện để dùng", ông nói.

Sau nhiều lần kiến nghị, huyện Tây Giang đã cung cấp cho làng Z’lao 10 chiếc thủy luân để người dân phát điện nhưng "mùa nước cạn máy ngừng hoạt động, còn mùa mưa đến gây ra lũ quét nên không dùng được".

Về việc này, đại diện Tổng công ty điện lực miền Trung cho biết, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Tây Giang đã có biên bản thống nhất triển khai cấp điện cho thôn Z’lao từ năm 2019 bằng nguồn vốn EU tài trợ không hoàn lại. Đơn vị cũng lập thủ tục đầu tư để kéo điện lưới vào thôn Z’lao với dự toán kinh phí 6,5 tỷ đồng.

Sau khi được hỗ trợ hoàn toàn chi phí kéo điện về làng, thôn Z’Lao mới có mặt bằng ổn định, người dân di dời về nơi ở mới với 51 hộ và 190 nhân khẩu. Cùng với sự quan tâm của cấp trên, các đơn vị kết nghĩa và các nhà hảo tâm, đến nay thôn Z’lao đã xóa được “6 không” trong đó AVC đã hỗ trợ xây dựng 08 nhà Đại đoàn kết với trị giá 50 triệu đồng/nhà và 15 công trình vệ sinh cho hộ nghèo trong thôn với trị giá 150 triệu đồng, cùng với đó Công ty đã kêu gọi UBND phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cùng chung tay hỗ trợ cho bà con nơi đây xây dựng 03 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Gần đây nhất là vào ngày 24/2/2023, UBND xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tổ chức mừng Gươl mới (nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống của đồng bào Cơ Tu) tại thôn Z’Lao và khánh thành các hạng mục công trình dân sinh. Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (AVC) đến tham dự, chúc mừng và tặng quà cho người dân thôn Z’Lao.

Empty
Empty

Thôn mừng có được Gươl mới cũng là lúc công trình điện lưới lần đầu mới được về thôn, nhân dịp này, Thủy điện A Vương tặng 01 Ti vi lắp đặt tại nhà Gươil để bà con nhân dân theo dõi tin tức thời sự qua đó nắm bắt được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các thông tin hữu ích khác. Nhận được món quà đầy ý nghĩa, Ban nhân dân thôn Z’Lao vô cùng vui mừng, xúc động bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo AVC luôn luôn đồng hành, giúp đỡ người dân thôn Z’Lao trong các năm qua.

>> Ngôi làng chênh vênh trên "đỉnh trời" 2.300m cao nhất Việt Nam, mùa đông sương tuyết giăng kín, là địa điểm săn mây nhất định phải đến một lần trong đời!

Ngôi làng nổi nằm trên mặt hồ lớn nhất Đông Nam Á, được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Việt Nam có ngôi làng làm hoàn toàn bằng đá cổ 400 năm tuổi giữa miền biên ải, cách 'thác nước đẹp bậc nhất thế giới' chỉ hơn 2km

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-ngoi-lang-biet-lap-tung-sau-khong-ben-bo-ho-thuy-dien-lon-thu-nhi-quang-nam-d110806.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bên trong ngôi làng biệt lập từng 'sáu không' bên bờ hồ thủy điện lớn thứ nhì Quảng Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH