Bí ẩn nhà cổ trăm tuổi trên cao nguyên đá Tây Bắc: Mang dáng chim đại bàng, đã trải qua 7 đời chủ nhân
Đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất của Hà Giang.
Nằm khuất sau một dãy núi lổn nhổn đá tai mèo, ngôi nhà cổ của dòng họ Vừ thuộc thôn Há Súng (xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) có giá trị kiến trúc độc đáo, được cho là nguyên mẫu của dinh thự vua Mèo bởi diện mạo tương đồng, thậm chí có nhiều đường nét còn tinh tế hơn.
Ngôi nhà nằm trên gò đất hình mai rùa nổi lên giữa thung lũng, hướng ra một võng núi hình mắt ngựa, ngay gần đường biên. Nhìn từ xa, trên nền thung lũng xanh thẳm nổi bật bức tường trắng cao, dày phía trước khối kiến trúc bề thế được lợp bằng ngói âm dương. Phía trước nhà có dãy bậc thang bằng các khối đá ghép lại chạy từ chân gò lên.
Cửa chính ngôi nhà làm bằng gỗ với ngạch cửa cao, một kiến trúc quen thuộc với đồng bào Mông. Hai khối đá lớn vuông vức dưới chân trụ cổng được khắc hoa văn kỳ công không còn rõ họa tiết do thời gian. Đặc biệt, mái hiên cổng lợp ngói âm dương được chạm khắc tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.
Nhà cổ Há Súng đã hơn 100 năm tuổi, thông tin về ngôi nhà này cũng rất ít. Người dân quanh vùng chỉ biết nó đã trải qua 7 đời, do một nhóm thợ vùng Hoa Nam (Trung Quốc) xây. Toàn bộ căn nhà gồm ba khối lớn ghép lại, trong đó hai nhà bên hông trái - phải thụt lại hình ngang, căn nhà chính giữa nhô ra phía trước. Theo cách tả của người dân đó là dáng con chim đại bàng đang tung cánh.
Bước vào trong là khoảng sân trời được lát đá xanh, bao xung quanh là hệ thống các phòng thuộc ba dãy nhà hai tầng được sắp xếp hợp lý trên diện tích vài trăm mét vuông. Các họa tiết trang trí khắp ngôi nhà đều rất cầu kỳ và mang tính thẩm mỹ cao. Từ cửa chính, cửa sổ, hành lang, tay vịn bằng gỗ… đến các nét chạm khắc tinh xảo trên các trụ đá tạo nên bản "hòa ca" của hai thứ nguyên liệu kiến trúc vốn sẵn có từ cách nay cả thế kỷ trên vùng đất này.
Chính giữa gian nhà chính là khoảng không giếng trời, xung quanh có đủ các gian: phòng ngủ, phòng khách, bếp... Toàn bộ tường đều có kết cấu kiểu "trình tường" của người dân tộc. Ngoài ra, chiếu nghỉ, ban công lẫn hành lang được làm bằng gỗ quý.
Trong nhà, họa tiết hoa anh túc xuất hiện khắp nơi, từ trên cột kèo gỗ đến chân cột nhà bằng đá. Mà thuốc phiện thời đó chỉ có những gia tộc quyền thế mới có quyền trồng hoa anh túc và buôn bán thuốc phiện. Giữa sân còn có một bồn tắm đục bằng đá nguyên khối, một minh chứng cho gia thế giàu có của gia chủ.
Được biết, ngôi nhà cổ được xây dựng vào khoảng năm 1919. Sau đó, chính nhóm thợ này đã tiếp tục qua xây dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Cũng vì lý do đó mà hai ngôi nhà cổ có kiến trúc khá giống nhau, chỉ khác rằng dinh thự vua Mèo rộng hơn nhiều.
Tồn tại nhiều giả thuyết về thân thế ông chủ họ Vừ của ngôi nhà, có thông tin cho rằng ông có thể là tổng quản của Vương Chí Sình, nhưng cũng có người nói ông là một chủ buôn… Hiện căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng dù chính quyền địa phương đã khảo sát và lên phương án trùng tu từ cách đây vài năm.
Theo thời gian, nhiều hạng mục của căn nhà đang xuống cấp trầm trọng, những bức tường bong tróc có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Việc cấp bách nhất hiện nay là lên phương án bảo tồn, trùng tu cho công trình có giá trị lịch sử này.