Vinaconex Sài Gòn là một công ty con của Vinaconex, hoạt động chính trong mảng xuất khẩu lao động và xây lắp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành các quyết định về việc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với một loạt doanh nghiệp, trong đó có CTCP Vinaconex Sài Gòn.
Nguyên nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động do không đảm bảo điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
CTCP Vinaconex Sài Gòn là công ty con do Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán VCG) sở hữu 76,25%.
Là một “đứa con” họ Vinaconex, nhưng tình hình kinh doanh của Vinaconex Sài Gòn rất ảm đạm. Năm 2022 vừa qua doanh thu chưa đến 2 tỷ đồng, bằng 1/10 năm 2021. Chi phí bỏ ra lớn hơn rất nhiều so với doanh thu, nên công ty lỗ 8,3 tỷ đồng cả năm – trong khi năm 2021 lỗ 2,2 tỷ đồng.
Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2022 lên đến 54,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn chưa đến 17 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 61 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex Sài Gòn, ngoài cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động, có xây dựng. Năm 2022 doanh thu mảng dịch vụ chỉ hơn 100 triệu đồng, năm 2021 đạt hơn 736 triệu đồng. Mảng hợp đồng xây dựng mang về tiền tỷ doanh thu, nhưng chi phí vẫn lớn hơn nên dẫn tới tình trạng thua lỗ.
Bức tranh ảm đạm của Vinaconex Sài Gòn còn thể hiện ở những khoản đầu tư thua lỗ. Tổng giá trị vốn góp vào công ty con Côngt y TNHH MTV Vinaconex Cửu Long, và công ty liên kếtt CTCP Vinaconex 27 là 11,25 tỷ đồng, thì đã phải trích lập dự phòng hơn 10,1 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 20,2 tỷ đồng, thì ngoài khoản phải thu với công ty mẹ Vinaconex hơn 7 tỷ đồng, còn lại 13,2 tỷ đồng phải thu với Công ty ty Thi công cơ giới MCC (9,1 tỷ đồng) và khách hàng khác 4,1 tỷ đồng, đã phải trích lập dự phòng gần như toàn bộ, đến 12,3 tỷ đồng.
Các khoản nợ xấu đến cuối năm 2022 lên đến trên 30 tỷ đồng, trong đó các khoản có thể thu hồi chưa đến 2 tỷ đồng.
Bị tước giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, Vinaconex vẫn phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với người lao động theo quy định đối với người lao động đã xuất cảnh. "Điểm sáng" khiến người lao động có thể phần nào yên tâm là trên báo cáo tài chính năm 2022 thể hiện "tiền và các khoản tương đương tiền" còn hơn 17 tỷ đồng, trong đó 15,5 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng, và 10,9 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng.
Ngoài xuất khẩu lao động, hoạt động xây lắp, Vinaconex Sài Gòn còn nổi lên trong ngành với sản phẩm đặc thù dầm Super - T.
Dầm Super T được đưa vào thi công lần đầu tiên năm 1997 qua dự án cầu Mỹ Thuận. Dầm Super – T thường được dùng làm cầu dẫn trong các công trình cầu lớn, được sử dụng trên hầu hết các công trình cầu đường giao thông tại Việt Nam như dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, công trình cầu Phú Mỹ, cầu Cần Thơ, dự án mở rộng 02 nút giao thông và giải phân cách giữa làn xe cơ giới/xe thô sơ trên Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc…
Đây là một trong những sản phẩm đặc thù và là thế mạnh của Vinaconex Sài Gòn tại khu vực phía Nam.