Loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị tước giấy phép hoạt động

13-07-2023 07:47|Thảo Đan

Sau khi bị thu hồi giấy phép, các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện các trách nhiệm theo quy định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành các quyết định về việc thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với một loạt doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đào tạo Quốc tế Đông Đô; CTCP Vinaconex Sài Gòn; CTCP Quốc tế Hoàng Gia Long.

Cả 3 doanh nghiệp này đều bị thu hồi giấy phép hoạt động do không đảm bảo điều kiện về ký quỹ, số lượng nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, sau khi bị thu hồi giấy phép, các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, doanh nghiệp không được thực hiện các hoạt động, dịch vụ sau: Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng không được chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động; đồng thời không được tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đã xuất cảnh.

Giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng.

Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị thu hồi giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

Cụ thể, tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thỏa thuận được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác thì bàn giao toàn bộ hồ sơ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tiền dịch vụ thu trước của người lao động cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp đưa đi.

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động chưa thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại thời điểm chuyển giao. Sau khi trừ phí dịch vụ ngân hàng, nếu tiền ký quỹ còn thừa thì doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

Đối với việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động, doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng. Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng.

Trưòng hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng, tiền ký quỹ được doanh nghiệp sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra. Nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ.

Trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thanh tra, xử phạt 62 doanh nghiệp xuất khẩu lao động và thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp.

Đại gia ngành thép 15 năm trước giờ lâm cảnh lỗ nghìn tỷ sau 10 quý

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 22/11

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loat-doanh-nghiep-xuat-khau-lao-dong-bi-tuoc-giay-phep-hoat-dong-191941.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị tước giấy phép hoạt động
    POWERED BY ONECMS & INTECH