Biến đổi khí hậu là mối quan ngại hàng đầu của thế giới

09-07-2023 10:00|PV

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, biến đổi khí hậu đứng hàng đầu trong danh sách những thách thức toàn cầu, và Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác để giải quyết thách thức này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 8/7 cho biết Mỹ và Trung Quốc cần duy trì hợp tác trong việc tài trợ chống biến đổi khí hậu nhằm giải quyết “mối đe dọa hiện hữu” của tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Bà Yellen có phát biểu trên trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc, không lâu sau chuyến thăm nước này của Ngoại trưởng Antony Blinken, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực giảm bớt bất đồng và nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mối quan ngại hàng đầu

Phát biểu tại một hội thảo với giới chuyên gia tại Trung Quốc, bà Yellen cho rằng với tư cách là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới và là các nhà đầu tư lớn nhất về năng lượng tái tạo, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm chung và có khả năng tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và nhấn mạnh rằng đây là một lĩnh vực then chốt của hợp tác.

Theo bà Yellen, biến đổi khí hậu đứng hàng đầu trong danh sách những thách thức toàn cầu, và Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác để giải quyết thách thức này.

Còn theo một nghiên cứu công bố mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng rủi ro mất mùa ở nhiều “vựa bánh mỳ” trên toàn cầu đã bị đánh giá thấp và cần có một lời cảnh tỉnh về mối đe dọa của biến đối khí hậu đối với hệ thống lương thực.

Sản xuất lương thực vừa là nguồn phát thải chính khiến hành tinh nóng lên, nhưng cũng là ngành chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu của Mỹ và Đức đã xem xét khả năng một số vùng sản xuất lương thực lớn có thể ghi nhận sản lượng thấp.

Tác giả chính Kai Kornhuber, nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết những tình huống trên có thể dẫn đến tăng giá, mất an ninh lương thực và thậm chí là bất ổn dân sự.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Kai Kornhuber cho rằng những loại tình huống xảy ra đồng thời này đang thực sự bị đánh giá thấp.

Nghiên cứu này cũng xem xét dữ liệu mô hình khí hậu và quan sát từ năm 1960 đến năm 2014, sau đó xem xét các dự báo cho năm 2045 đến năm 2099.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của dòng không khí điều hướng các kiểu thời tiết ở nhiều vùng sản xuất cây trồng quan trọng nhất trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự luân chuyển của các dòng không khí như vậy có tác động đáng kể đến các vùng nông nghiệp trọng điểm ở Bắc Mỹ, Đông Âu và Đông Á, làm giảm sản lượng thu hoạch tới 7%.

Ông Kornhuber cũng nêu ví dụ cho thấy sự chuyển động của dòng không khí có liên quan đến cả nhiệt độ cực cao ở các vùng của Nga và lũ lụt tàn phá ở Pakistan vào năm 2010, đều gây thiệt hại cho mùa màng.

Ông Kornhuber cho biết nghiên cứu này sẽ là "một hồi chuông cảnh tỉnh về tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực thực phẩm, với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn.

Ông Kornhuber cho biết: “Chúng ta cần chuẩn bị cho những loại rủi ro khí hậu phức tạp này trong tương lai và các mô hình tại thời điểm này dường như không nắm bắt được điều này.”

Chung tay ứng phó

Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới diễn ra cuối tháng 6/2023 đã đưa ra cam kết thực hiện những bước đi nhỏ bé hướng đến nỗ lực giảm gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển vốn chịu gánh nặng của các cuộc khủng hoảng khí hậu và kinh tế.

Trong ngày đầu của hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo các nước giàu đã cam kết sẽ phân bổ 100 tỷ USD từ một kênh tín dụng của tổ chức này (được biết đến là "quyền rút vốn đặc biệt") để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho biết thể chế tài chính này sẽ đưa ra cơ chế "ngừng" nghĩa vụ trả nợ đối với những nước chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mục tiêu của cơ chế này là giúp các nước như vậy có thể "tập trung xử lý những vấn đề quan trọng trước mắt" và "không phải lo lắng về việc hoàn trả nợ."

Nước chủ nhà Pháp ca ngợi hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước đúc rút kinh nghiệm về cách thức xây dựng đồng thuận.

Mặc dù vậy, lãnh đạo các nước đều cảm nhận khó khăn trước mắt để có thể đạt được những kết quả cụ thể sau hội nghị kéo dài 2 ngày này trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang trì trệ do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong những năm gần đây.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh những thách thức tài chính ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng.

Trong khi đó, các nước đối mặt với cảnh báo rằng việc thế giới có thể giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức độ chấp nhận được hay không phụ thuộc vào khả năng gia tăng đầu tư quy mô lớn vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển.

Theo ước tính mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra gần đây, khoản đầu tư hàng năm chỉ để phát triển các nguồn năng lượng sạch ở các nước đang phát triển sẽ cần tăng lên gần 2.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.

Đây là khoản đầu tư cần thiết để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng dưới dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là đạt được mức dưới 1,5 độ C theo các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Ông Banga cho rằng WB có thể sử dụng việc "chủ động chấp nhận rủi ro" để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Banga, những nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cho vay và cải cách mô hình hoạt động của WB có thể giải phóng hàng tỷ USD, dù cần hàng nghìn tỷ USD theo ước tính để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nguồn vốn tư nhân đóng vai trò thiết yếu khi nguồn vốn từ các chính phủ, các tổ chức từ thiện, WB và các ngân hàng phát triển đa phương không thể đủ để giúp các nước nghèo ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Banga cho rằng cách duy nhất là để lĩnh vực tư chấp nhận rủi ro như một cách hướng tới tương lai. Các công ty tư nhân muốn mang lại cổ tức cho các cổ đông và không thể chấp nhận rủi ro, nhưng WB có thể hỗ trợ trong việc chấp nhận rủi ro một cách có hiểu biết.

Theo ông Banga, năng lượng tái tạo trong nhiều trường hợp hiện rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Năng lượng giá rẻ là tiền đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở các nền kinh tế mới nổi, nhưng các giải pháp mới cần để tránh mô hình tăng trưởng với lượng khí thải lớn hoặc làm mất đi hy vọng trong việc cắt giảm lượng khí thải vào năm 2050.

Ông Banga cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đa phương và các tổ chức phát triển khác khi có nhiều việc cần làm.

30% dân số toàn cầu có thể phải dịch chuyển nơi cư trú vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu làm thay đổi 'cuộc chơi' của thị trường cà phê

El Niño và biến đổi khí hậu: Phép cộng thảm họa với con người

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/bien-doi-khi-hau-la-moi-quan-ngai-hang-dau-cua-the-gioi-post136162.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Biến đổi khí hậu là mối quan ngại hàng đầu của thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH