Hệ thống KRX đi vào hoạt động có thể xử lý tối đa 5 triệu lệnh/phiên, thanh khoản tối đa 4 tỷ USD/phiên.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc triển khai Gói thầu Công nghệ thông tin KRX đạt mục tiêu đưa hệ thống vào vận hành chính thức từ ngày 2/5/2024.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp ngày 19/4/2024 về việc triển khai Gói thầu Công nghệ thông tin KRX (Gói thầu KRX) hướng tới mục tiêu đưa hệ thống vào vận hành chính thức (go-live) từ ngày 2/5/2024 và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch SGDCK Hà Nội, Tổng Giám đốc yêu cầu các cá nhân và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, nêu cao tình thần trách nhiệm, tập trung cao độ, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai công việc thuộc Gói thầu KRX.
Trước đó, chia sẻ về tiến trình go-live hệ thống KRX, tại ĐHCĐ thường niên 2024 ngày 8/4, CEO Chứng khoán Rồng Việt (VDS) tiết lộ, ngày 9/4 là ngày thử nghiệm cuối cùng của hệ thống lần 2. Nếu không có gì thay đổi, hệ thống KRX sẽ đưa vào vận hành vào đầu tháng 5. Các công ty chứng khoán tham gia đợt kiểm tra lần này đã qua bài kiểm tra của Sở Giao dịch Chứng khoán và VSDC.
Hy vọng triển khai hệ thống KRX đã bắt đầu từ năm 2023 khi liên tục có những lần chạy thử, sửa lỗi và nâng cấp hệ thống ở các CTCK thành viên. Đến năm 2024, kỳ vọng đó càng trở nên rõ ràng hơn không chỉ vì các bước đi cụ thể mà còn ở yếu tố “thiên thời”.
Đó là thời điểm tháng 9/2025, FTSE sẽ tiến hành rà soát và xem xét nâng hạng đối với TTCK Việt Nam. Kỳ vọng này càng được “gia cố” khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 với lời khẳng định quyết tâm nâng hạng TTCK từ “cận biên” lên “mới nổi” trong năm 2025.
Nói cách khác, từ giờ đến tháng 9/2025 tất cả các tiêu chí chưa đáp ứng được sẽ phải hoàn thiện. Trong đó, việc triển khai hệ thống KRX là bước quan trọng về mặt kỹ thuật cho việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (không cần yêu cầu NĐT nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua). Đây là một trong 2 tiêu chí chính mà TTCK Việt Nam còn vướng, bên cạnh quy định về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Không chỉ là một hệ thống giao dịch, KRX mà còn là nền tảng liên quan đến nhiều cấu phần khác nhau, bao gồm cả công bố thông tin, giám sát, thanh toán bù trừ… Việc thay đổi hệ thống không chỉ có thể giúp gia tăng năng lực khớp lệnh hàng ngày mà còn sẵn sàng cho các sản phẩm mới. Với hệ thống hiện tại, thị trường có thể xử lý tối đa 3 - 5 triệu lệnh/phiên, thanh khoản tối đa 1,5 tỷ USD/phiên. Vào ngày 18/3 vừa qua, thị trường xuất hiện phiên thanh khoản 1,9 tỷ USD, gần đây các phiên thanh khoản trên 1 tỷ USD cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Như vậy, hệ thống cũ đang dần không đáp ứng được nhu cầu.
Hệ thống KRX đi vào hoạt động có thể xử lý tối đa 5 triệu lệnh/phiên, thanh khoản tối đa 4 tỷ USD/phiên. Ngoài ra, có thể đưa thời gian thanh toán từ T+2 về T+0, giúp tạo ra các sản phẩm mới như hợp đồng quyền chọn, lướt sóng siêu ngắn, giao dịch lưới, bán khống,...
TTCK là thị trường của kỳ vọng và vì vậy, cần những câu chuyện để dẫn dắt kỳ vọng, và việc triển khai hệ thống KRX là một trong số đó. Thậm chí, sự kiện này có thể là tâm điểm của thị trường năm 2024, sau rất nhiều lần khiến NĐT “mừng hụt”.
Hiện tại, với xu hướng ngày càng nhiều NĐT mới gia nhập thị trường, lượng vốn đổ vào TTCK sẽ ngày càng tăng. Do vậy, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài cũng sẽ gia tăng đáng kể. Tổng hợp các yếu tố thúc đẩy đó sẽ giúp thanh khoản lên một tầm cao mới.
‘Sóng’ to thì gió lớn, thị trường chỉnh là cơ hội để mua?
Thị trường vừa có tuần lao dốc không phanh khi áp lực đến từ mọi hướng. Hầu hết các nhóm ngành đều giảm, với hai ngành bất động sản và công ty chứng khoán bị xả mạnh nhất. Kết thúc tuần giao dịch với chỉ bốn phiên, nhưng VN-Index đã giảm tới 101,75 điểm (-7,97%), xuống 1.174,85 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2022. Tính rộng ra từ đầu tháng 4, chỉ số chung đã đánh mất 111 điểm.
Trước đó, tại buổi talkshow Chờ mùa nắng về do Chứng khoán SSI tổ chức, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng, thông thường, trong những đợt thị trường uptrend khoảng 5 - 6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ, nhưng mức tăng khá thấp.
Quan điểm ban đầu của ông Trung là thị trường sẽ tăng đến vùng 1.350 điểm, nhưng khi đến sát vùng 1.300 điểm, dòng tiền có vẻ hơi yếu, một số yếu tố ngắn hạn không còn quá tốt, do đó khả năng cao là thị trường có thể điều chỉnh 12 - 15% (tương ứng 150 - 195 điểm) từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ.
Đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường trong một giai đoạn tăng mà trong uptrend thì năm nào cũng có 2 lần điều chỉnh.
Nhìn về bức tranh cả năm 2024, trước đó, CEO Passion Investment kỳ vọng VN-Index có thể về lại vùng 1.500 điểm. Ông Trung lý giải, hiện VN-Index đang ở vùng định giá khá thấp, P/E dưới 15 lần, trong khi giai đoạn 2018-2022, P/E đều trên 20 lần. Lãi suất đang ở mức thấp nhất lịch sử, thấp hơn cả dịch Covid-19 và khả năng còn tiếp tục đi xuống. Bên cạnh đó, các thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đều vượt đỉnh, trong khi thị trường Việt Nam vẫn loay hoay ở mức thấp.
“Theo quan điểm của tôi thì năm nay là năm rất tốt để VN-Index quay lại vùng 1.500, và sang đến đầu năm sau có thể vượt đỉnh lên mức cao mới,” vị chuyên gia nhận định.
Trong buổi Toạ đàm của VPBanks hồi cuối tháng 3, các chuyên gia của CTCK này cũng đã cảnh báo sẽ sớm có nhịp điều chỉnh trong đà hưng phấn của thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khẳng định nếu có những nhịp điều chỉnh sâu thì chính là cơ hội mua để đón những con sóng lớn. Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể lên mốc 1.650-1.750. 2024 sẽ là năm của những nhịp sóng gối sóng. Trong kịch bản nâng hạng, VPBanks dự báo chỉ số 2 năm tới sẽ vượt đỉnh lịch sử 2021, 2022.