Việc thi công các khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Ðịnh đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu đất đắp, vật liệu thi công…
Theo chỉ đạo của Chính phủ, khung thời gian phải xây dựng xong các khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 quá ngắn, chỉ có 1 năm (từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023).
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Bình Định đã gởi nhiều văn bản đến Ban Quản lý dự án 85, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép UBND tỉnh bổ sung các mỏ vật liệu thi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc vào danh mục được áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, 8/8 địa phương bị ảnh hưởng đã lập hồ sơ đầu tư xây dựng 39 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 69ha, bố trí 1.767 lô đất, tổng mức đầu tư hơn 743 tỷ đồng. Nhưng đến nay, khối lượng thi công các khu tái định cư chỉ phổ biến ở mức 40 - 50%. Có 5 địa phương đã giao đất cho 524 hộ trong tổng số 1.006 hộ phải bố trí tái định cư, đạt 52%. Cá biệt, có 1 địa phương không vướng mắc vấn đề này, nhờ đó đã đạt mức 98%, đó là huyện Tây Sơn.
Sau nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn về vấn đề thiếu đất đắp, san lấp nền, tại cuộc kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam vào cuối tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các địa phương linh hoạt sử dụng 3 phương án: Nâng công suất các mỏ đang khai thác ở địa phương; ưu tiên sử dụng vật liệu tại các mỏ đang khai thác và hoán đổi trả lại khi hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới; sử dụng chính nguồn vật liệu từ các mỏ phục vụ dự án cao tốc để thi công các khu tái định cư bởi việc này tiêu tốn khối lượng không nhiều.
Ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết: Hiện nay, Hoài Nhơn xây dựng 12 khu tái định cư /189.400 m2/476 lô đất ở. UBND thị xã đang trình UBND tỉnh cho phép khai thác đất tại mỏ đất đồi Bà Hóa, phường Hoài Xuân. Mỏ đất đồi Bà Hóa trước đây được cấp cho Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành nhưng đã hết thời hạn khai thác 2 năm, hiện đang đóng cửa. Kết quả kiểm tra cho thấy, mỏ này còn có thể khai thác khoảng 85.000m3 từ điểm mỏ HN01, vùng có thể khai thác thêm rộng khoảng 1,4 ha.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp ngày 6/7/2023, việc khai thác đất tại mỏ đồi Bà Hóa nói trên phải lập hồ sơ cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Việc lập đầy đủ các thủ tục nói trên như một điểm mỏ mới sẽ mất rất nhiều thời gian.
Cùng với đó, để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép Bình Định được sử dụng nguồn đất, cát san lấp từ các mỏ phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam để thi công các khu tái định cư. Với phương án này thì việc thu hồi mặt bằng mới nhanh và công tác giải phóng mặt bằng sẽ có nhiều khả năng đúng tiến độ. Vừa qua, khi đại diện Bộ Giao thông Vận tải về Bình Định kiểm tra trực tiếp tiến độ triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý với phương án này, đồng thời yêu cầu tỉnh kiến nghị cụ thể các dữ liệu liên quan và kiến nghị cần được HĐND tỉnh thông qua để đảm bảo cơ sở pháp lý.
Dự án 2 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Định đón tin vui
Một cổ phiếu được kỳ vọng tăng 3x% nhờ cú hích từ siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD