Hà Tĩnh chi 1.100 tỷ đồng cho tái định cư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 67 tỷ USD
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua đoạn Hà Tĩnh có tổng chiều dài hơn 103km.
Ngày 22/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo cung cấp thông tin và định hướng truyền thông về ba nội dung trọng tâm: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Vũ Quang; và Giải vô địch Pencak Silat châu Á lần thứ 9 – năm 2025.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã báo cáo chi tiết về công tác chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 103km, đi qua 23 xã/phường, ảnh hưởng đến gần 2.000 hộ dân, trong đó khoảng 1.280 hộ cần được bố trí tái định cư.
Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh dự kiến xây dựng 35 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 87ha và kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng.
![]() |
Các lãnh đạo ban, ngành chủ trì tại cuộc họp báo ngày 22/7 |
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho dự án.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương liên quan. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 12/2026 sẽ bàn giao tối thiểu 80% mặt bằng cho chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ dự án.
Đến nay, mới có một khu đất rộng 6ha tại thôn Liên Vinh, phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) đủ điều kiện về quy hoạch và hạ tầng, sẽ là khu tái định cư đầu tiên được khởi công vào ngày 19/8 tới. Với 34 khu còn lại, các địa phương phải hoàn tất quy hoạch chi tiết trong tháng 7/2025 và phê duyệt đầu tư trước tháng 10/2025.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án. Trong đó, Hà Tĩnh là một trong năm tỉnh được biểu dương nhờ có sự chuẩn bị bài bản, chủ động trong công tác quy hoạch, thiết kế sơ bộ và xác định nhu cầu sử dụng đất.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.500km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 15 tỉnh, thành phố. Tuyến được thiết kế theo chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Đây là tuyến đường sắt hiện đại, có tính chất lưỡng dụng, vừa phục vụ vận tải hành khách, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và có thể chuyển đổi vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67 tỷ USD), từ nguồn ngân sách nhà nước, được bố trí theo các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2025 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Một liên minh doanh nghiệp muốn chọn Khánh Hòa đầu tư tổ hợp Hydrogen – Amonia xanh 36.000 tỷ
Nhà máy nhiệt điện 2,2 tỷ USD tại miền Trung chính thức vận hành thương mại tổ máy 600MW