Doanh nghiệp A-Z

Bộ Công Thương chặn đường tuồn thép giá rẻ từ Trung Quốc, đối thủ của Hòa Phát (HPG) lên kế hoạch 'tái sinh'?

Ánh Nguyệt 27/05/2025 - 14:53

Formosa Hà Tĩnh lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất, trong bối cảnh Bộ Công Thương siết nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc để bảo vệ sản xuất nội địa.

Vào sáng ngày 27/5/2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) nhằm nghe báo cáo tình hình hoạt động thời gian qua và kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008, bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2015. Tính đến nay, dự án đã đạt sản lượng 42,403 triệu tấn phôi thép, 31,711 triệu tấn thép, 21,092 triệu tấn than cốc và 29,66 triệu MWh điện. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm phụ khác như xỉ hạt lò cao, dầu cốc, dầu nhẹ và khí hóa lỏng.

Tổng số lao động hiện đang làm việc tại dự án là 10.767 người, trong đó 5.613 người làm việc trực tiếp tại Formosa và 5.154 người thuộc các nhà thầu. Từ năm 2015 đến nay, tổng doanh thu của dự án đạt 627.476 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 36,592 triệu USD và tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước từ khi thành lập (năm 2009) đến nay đạt 77.552 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã đề xuất một số định hướng phát triển trong thời gian tới, bao gồm: đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành thép, bổ sung sản phẩm thép dây vào cơ cấu sản xuất, điều chỉnh công năng cảng Sơn Dương và triển khai giai đoạn 1-2 để nâng công suất khu liên hợp gang thép lên 15 triệu tấn/năm.

Bộ Công Thương chặn đường tuồn thép giá rẻ từ Trung Quốc, đối thủ của Hòa Phát (HPG) lên kế hoạch 'tái sinh'?
Formosa Hà Tĩnh cùng Hòa Phát là hai doanh nghiệp đang sản xuất thép HRC tại Việt Nam

Được biết, Formosa Hà Tĩnh là khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn ở Việt Nam, đặt tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), với tổng vốn đầu tư gần 12,8 tỷ USD và công suất hiện tại khoảng 7,1 triệu tấn thép thô/năm.

Đáng chú ý, cùng với Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), Formosa là một trong hai doanh nghiệp nội địa sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các sản phẩm như tôn mạ kẽm, thép mạ màu, ống thép và các loại thép sử dụng trong ngành xây dựng, cơ khí và công nghiệp.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Formosa Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn về tài chính. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 124,5 tỷ Đài tệ nhưng lỗ ròng 20,1 tỷ Đài tệ (khoảng 15.742 tỷ đồng). Trước đó, năm 2022, công ty cũng lỗ 10 tỷ Đài tệ (khoảng 7.832 tỷ đồng).

Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy yếu, khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh, dẫn đến tình trạng bán phá giá tại khu vực Đông Nam Á.

Trước thực trạng này, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19% đến 28% nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Theo phân tích của MBS Research, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có thể nâng thị phần HRC nội địa lên mức 60% trong giai đoạn 2025 - 2026, so với khoảng 32% của năm 2024.

>> Thép HRC Trung Quốc lách đòn thuế của Bộ Công Thương tràn vào Việt Nam, nhóm doanh nghiệp nội địa đề nghị làm mạnh tay

Hòa Phát (HPG) được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp gần 4.200 tỷ đồng tại Phú Yên

Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đối diện 284 vụ điều tra, Hòa Phát (HPG) lách qua ‘khe cửa hẹp’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-cong-thuong-chan-duong-tuon-thep-gia-re-tu-trung-quoc-doi-thu-cua-hoa-phat-hpg-len-ke-hoach-tai-sinh-291018.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Bộ Công Thương chặn đường tuồn thép giá rẻ từ Trung Quốc, đối thủ của Hòa Phát (HPG) lên kế hoạch 'tái sinh'?
    POWERED BY ONECMS & INTECH