Với mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo báo cáo, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, điểm đầu tại tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đoạn đi qua Đồng Nai dài 34,2 km, đoạn đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.
Diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 520 ha. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến hơn 3.100 hộ dân, trong đó gần 2.600 hộ phải di dời tái định cư. Chi phí bồi thường, tái định cư dự kiến 6.629 tỷ đồng.
Về quy mô làn xe, Bộ GTVT xác định cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tuyến kết nối 2 đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành; do đó, phần đường kết nối hai cao tốc này sẽ được đầu tư 6 làn xe; phần đường còn lại trước mắt đầu tư 4 làn xe.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được Thủ tướng phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP vào ngày 23/9/2021. Tuy nhiên, phương án đầu tư PPP sẽ tốn 12 tháng và chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ tìm được nhà đầu tư đủ năng lực.
Với tính chất cấp bách của dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư cao tốc này theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn.
Trong trường hợp được áp dụng cơ chế đặc thù, Bộ GTVT khẳng định dự án có thể hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
Vì sao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẵn mặt bằng vẫn ì ạch?
Dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc hơn 17.800 tỷ Biên Hòa - Vũng Tàu đón tin vui