"Đã đến lúc phải thay đổi, từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường nào đó chứ không phải sản xuất ra theo tập quán, thói quen và hô hào cả hệ thống vào cuộc để giải cứu".
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 diễn ra ngày 31/1.
Tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường đã cập nhật thông tin chính sách thương mại mới, những thay đổi quan trọng trong các quy định về xuất nhập khẩu.
Cập nhật quy định mới trong xuất khẩu sang các thị trường lớn
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin: Ngày 16/1/2023, Toà thương mại quốc tế Canada (CITT) đã khởi sự đánh giá hết hạn về kết luận điều tra vụ việc chống phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam xuất khẩu sang Canada.
Ngay sau khi CITT đánh giá hết hạn, ngày 17/1/2023, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã quyết định tiến hành điều tra lại để xác định có tiếp tục áp thuế chống phá giá/trợ cấp lên sản phẩm này của Việt Nam.
"Dự kiến CBSA sẽ có kết luận điều tra chậm nhất vào ngày 30/6/2023 và chuyển hồ sơ lên tòa án để có phán quyết cuối cùng vào ngày 22/11/2023. Doanh nghiệp trong nước có liên quan cần theo dõi sát sao để có động thái phù hợp", bà Quỳnh thông báo.
Rau mùi, húng quế, bạc hà Việt Nam được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát tại EU
Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho hay: Ngày 27/1/2023, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/01/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.
Riêng sản phẩm đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
“Theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, năm 2023, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng mức thuế 0%. Điều này là lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường này”, ông Trần Ngọc Quân nói.
Đánh giá về vai trò của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại phải tiếp tục giữ được sự phối hợp, đồng thời, cần phải đổi mới, không chỉ là xúc tiến xuất khẩu mà còn cả nhập khẩu, không chỉ là hội chợ, triển lãm mà cần nâng cao năng lực trình độ cho các doanh nghiệp, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp…
Lắng nghe các ý kiến và đề xuất của các thương vụ, hiệp hội, ngành hàng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam bởi tính dị biệt của thị trường và khó lường của chính trị. Sang năm 2023 sẽ còn thách thức gấp bội, bởi lẽ cạnh tranh chiến lược, xung đột chính trị và xung đột vũ trang ngày càng gay gắt, thị trường tiếp tục có những dị biệt…
"Cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp hơn, thị trường ngày càng bị thu hẹp, tổng cầu sẽ giảm, năng lực sản xuất của Việt Nam lại đang bị lệ thuộc bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu. Nguồn cung bị đứt gãy, nhất là nguồn cung về năng lượng bởi sản lượng dầu mỏ, khí đốt của Liên bang Nga sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do tiếp tục phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ châu Âu. Tổng cung của thế giới sẽ giảm, vì vậy nguồn cung để phục vụ nhu cầu của các nước, trong đó có Việt Nam sẽ là thách thức rất lớn", Bộ trưởng nhìn nhận.
6 nhóm nhiệm vụ quan trọng trong xúc tiến thương mại
Để vượt qua được những khó khăn kể trên và tiếp tục tận dụng được thời cơ, phát huy được những thành tựu, kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan chức năng của Bộ, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn cần thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, các đơn vị thuộc Bộ và doanh nghiệp, hiệp hội cần phải đưa ra những kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt từ 6,5% trở lên.
Thứ hai, các cơ quan thương vụ phải tiếp tục chú trọng nắm bắt các chủ trương, chính sách mới của nước sở tại cả trong chính trị và kinh tế. Nhất là những rào cản mới mà các nước, các khu vực thị trường đang đặt ra, ví dụ như những rào cản về kỹ thuật của Liên minh châu Âu… để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cho lãnh đạo Bộ có những đối sách hợp lý nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc, lợi ích của các doanh nghiệp.
Đồng thời chú ý phổ biến, lan tỏa chủ trương, chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đầu tư và thu hút đầu tư, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính chất nền tảng như: Công nghệ vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đây là những ngành mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
"Các ý kiến của một số địa phương như Hải Dương, Đắk Lắk đã cho thấy Việt Nam có rất nhiều sản phẩm được làm ra nhưng sản phẩm ấy có được thị trường trong nước hay nước ngoài ưa chuộng hay không lại là một câu chuyện khác. Kinh tế thị trường là ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đã phải trả lời được câu hỏi bán cho ai, thậm chí với giá bao nhiêu một cách rõ ràng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, Bộ trưởng yêu cầu: Bằng mọi cách phải duy trì, phát triển các thị trường truyền thống và các mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới mặt hàng mới, nhất là khu vực Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ Latin để hàng Việt Nam có thể vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên phạm vi toàn thế giới.
Thứ năm, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục có những đề xuất đổi mới trong hoạch định và thực thi các chính sách mới, giúp Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới.
Thứ sáu, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường phối hợp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ thực thi tốt hơn các chức trách, nhiệm vụ của mình, kể cả trong hoạt động mang tính nội dung và nghiệp vụ của các đơn vị. Vụ Đa biên, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi và châu Âu, châu Mỹ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu lãnh đạo Bộ có những đàm phán, ký kết những hiệp định, thỏa thuận thương mại mới.
Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đàm phán mở rộng ngành hàng và đạt được những tiêu chuẩn, điều kiện đối với các thị trường để có thể phát triển mạnh hơn các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản (kể cả những mặt hàng nguyên liệu hay đã qua chế biến).
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và địa phương tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ, không chỉ với các cơ quan chức năng của Bộ mà cả với các cơ quan thương vụ, các cán bộ đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được những thông tin cần thiết cho việc hoạch định đường lối chiến lược và kế hoạch sản xuất.