Giá cả

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Dành 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu giá cao kỷ lục

Tâm An 11/08/2023 - 19:52

Biến động toàn cầu đẩy giá gạo lên cao kỷ lục, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đảm bảo an ninh lương thực trong nước, còn 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành xuất khẩu.

Báo cáo của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phục vụ phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần sau, cho hay, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong hai mặt hàng của ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng vừa qua.

Theo Bộ trưởng Hoan, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Đơn cử, Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị kéo dài...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa có báo cáo về vấn đề liên quan đến sản xuất và xuất khẩu gạo (Ảnh: Hoàng Hà)

Đề cập tới vấn đề an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, an ninh lương thực (ANLT) quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường. Chưa kể, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. 

Việc đảm bảo ANLT không chỉ cần đủ về lượng lúa gạo, mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác. Tuy nhiên, với cơ cấu tiêu dùng hiện nay thì gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm của hộ.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao kỷ lục (Ảnh: Tâm An)

Với việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu ha đến năm 2030, diện tích gieo trồng lúa là khoảng 7 triệu ha, cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27-28 triệu tấn gạo, Bộ trưởng Hoan cho hay.

Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ NN-PTNT, lượng lúa dùng cho đảm bảo ANLT của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ, làm giống... ) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu. 

Bên cạnh lượng lúa gạo sản xuất, Bộ trưởng Hoan cho biết, hàng năm nước ta còn nhập khẩu lúa gạo. Ví như, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Thế nên, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam. 

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề ANLT nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo, Bộ trưởng Hoan khẳng định.

Riêng năm 2023, ông Hoan cho biết, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo ông, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trong đó, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước khoảng 29,5 triệu tấn thóc gồm: tiêu thụ của người dân 13,8 triệu tấn thóc, phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn, làm giống 1 triệu tấn, dự trữ 3,8 triệu tấn. 

Căn cứ vào nhu cầu sản lượng thóc dành cho bảo đảm an ninh lương thực, và các nhu cầu tiêu dùng nội địa năm 2021 cả nước là 23,78 triệu tấn, việc dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao.

Tính toán ra, lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7 triệu tấn, tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc, ông Hoan cho hay.

Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 10/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn, đồng loạt tăng 20 USD/tấn so với phiên hôm trước (9/8).
Còn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tăng thêm một thứ trưởng

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đừng ngồi một chỗ mà hy vọng bán được hàng giá cao!

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-truong-le-minh-hoan-danh-7-8-trieu-tan-gao-xuat-khau-gia-cao-ky-luc-2176305.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Dành 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu giá cao kỷ lục
    POWERED BY ONECMS & INTECH