Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như với Nvidia
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cũng cần tập trung vào các dự án FDI đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị Phát triển Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào chiều 11/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao là những yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
KHCN và ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chiến lược, chương trình, đề án và chỉ thị về phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các ngành công nghệ cao mới nổi, phù hợp với xu hướng thế giới. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã tạo được những bước tiến ấn tượng trong hợp tác với các quốc gia và nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu và các tập đoàn công nghệ lớn như Cadence, Intel, Qovor, Apple, Marvell, Samsung và Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips nhằm phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Qualcomm và Meta đã tăng cường hợp tác nghiên cứu và ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup, FPT, CMC cũng chủ động triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển về AI.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vị thế và hình ảnh của Việt Nam về KHCN và ĐMST ngày càng được ghi nhận trên các diễn đàn quốc tế, phản ánh một Chính phủ năng động, linh hoạt và hiệu quả.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng năm 2025 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc và bứt phá, đánh dấu năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp:
Đầu tiên, tập trung rà soát và loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế trong quý I/2025 đối với các nghị định và quý II/2025 đối với các luật. Cần thiết phải giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03/NQ-CP và phối hợp với các bộ ngành để rà soát, cập nhật và bổ sung các yêu cầu có tính cấp bách. Cụ thể, các cơ chế, chính sách cần khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ và tài trợ cho KHCN và ĐMST.
Thứ hai, xác định các dự án trọng tâm về KHCN và ĐMST, gắn với mục tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và địa phương có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.
Thứ ba, nhân rộng mô hình thu hút FDI như việc thu hút Tập đoàn Nvidia, và tập trung vào các dự án đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai nhanh chóng.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo ngắn hạn, xây dựng cơ chế đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đại học với cam kết đầu ra và chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học, với yêu cầu có doanh nghiệp đồng hành.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm, thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.