Bộ trưởng Nội vụ: 'Chúng tôi chỉ nghỉ hai ngày 30 và mùng 1 Tết'
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, làm cả ngày cả đêm, chỉ nghỉ đúng hai ngày 30 và mùng 1 Tết.
Bối cảnh rất đặc biệt, rất cấp thiết
Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hai dự án luật này được xây dựng trong bối cảnh rất đặc biệt, rất cấp thiết trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, đáp ứng được yêu cầu về hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý |
Chính vì nằm trong tổng thể “cuộc cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy, nên cần thiết phải khẩn trương xây dựng hai dự án luật, để kịp thời đảm bảo được yêu cầu nền hành chính hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả, đồng thời đáp ứng được yêu cầu trong cải cách nền hành chính.
Theo bà Trà, hai dự án luật được thực hiện trong thời gian rất ngắn, chỉ có 2 tháng, đúng với nghĩa “vừa chạy vừa xếp hàng”. “Các dự thảo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không những về chính trị xã hội, pháp lý mà còn có ý nghĩa về lịch sử, trong một thời điểm quan trọng của đất nước”, bà Trà cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ, các dự án luật được xây dựng với rất nhiều điểm mới, trước tiên là về tư duy xây dựng pháp luật khác hoàn toàn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội. Trên cơ sở đó, luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, cơ bản, đảm bảo cho luật có giá trị và sức sống bền vững, đảm bảo được trong điều hành thực tiễn của nền hành chính nhà nước.
Đối với Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, bà Trà nói, lần sửa đổi này đã giảm 18 điều, 1 chương so với luật hiện hành và chỉ còn lại 30 điều. “Luật Quốc vụ viện của Trung Quốc chỉ có 20 điều thôi, hay Luật Nội các Nhật Bản cũng chỉ 23 điều… Đây là một tư duy rất mới trong xây dựng luật pháp của chúng ta trong bối cảnh tình hình mới này”, bà Trà nêu rõ.
Điểm mới khác, theo bộ trưởng, lần sửa đổi này tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, địa phương, phân định rạch ròi, rõ ràng. Theo bà Trà, phải làm rõ được mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan hành pháp, cũng như cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. Đồng thời, có những vấn đề được thiết kế mang tính cụ thể hơn, để thể hiện rõ Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Tương tự, đối với chính quyền địa phương, cũng có sự thiết kế rành mạch HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp. Hay thẩm quyền của Thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, với tư cách là thành viên Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ cũng được thiết kế rất rành mạch, để không có sự chồng lấn, giao thoa, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy việc lên Chính phủ.
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý |
"Chúng tôi làm cả ngày cả đêm, làm xuyên tết, nghỉ đúng hai ngày 30 và mùng 1 Tết", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.
Rành mạch phân cấp, phân quyền
Điểm mới quan trọng khác, theo Bộ trưởng Nội vụ, là vấn đề phân cấp ủy quyền. Theo bà Trà, đây là vấn đề mới nhất, cốt lõi nhất của hai luật này. Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, phải đưa ra các nguyên tắc rạch ròi trong phân cấp, phân quyền, ủy quyền, sau này tất cả các luật chuyên ngành phải đi theo.
“Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc này để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền”, bà Trà nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng chia sẻ, trong thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tranh thủ nhiều ý kiến chuyên gia, làm cả ngày cả đêm, làm xuyên Tết, chỉ nghỉ đúng hai ngày 30 và mùng 1 Tết.
“Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là vấn đề rất quan trọng để thực hiện phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Nếu không rành mạch vấn đề này chúng ta không thể thực hiện được. Và đương nhiên đây là cơ sở, cơ chế pháp lý quan trọng để giải quyết các vướng mắc hiện nay của các luật chuyên ngành”, bà Trà nói.
Bộ trưởng Nội vụ cũng thông tin, khi rà soát có đến 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền HĐND, UBND…
Theo bà Trà, trong thời gian 2 năm, bắt buộc phải sửa đổi bổ sung mấy trăm luật, còn trong thời gian 2 năm đó, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, là các nghị định để xử lý các vướng mắc, khơi thông nguồn lực và tháo gỡ được điểm nghẽn cho việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cũng như vấn đề có liên quan.
Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND ở những nơi này
Bộ Nội vụ nói về việc nâng lương trước thời hạn với cán bộ, công chức, viên chức