Bộ Nội vụ thông tin về việc đình chỉ chức vụ với cán bộ bị khởi tố, điều tra
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định khởi tố bị can nhưng được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng”, Bộ Nội vụ trả lời ý kiến một số cơ quan về việc quản lý, xử lý kỷ luật, tạm đình chỉ công tác với cán bộ, công chức.
Hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân đã bị kỷ luật
Tỉnh Bình Thuận đề nghị hướng dẫn cụ thể việc hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo. Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định số 98 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng) đã quy định rõ nội dung này.
Trên cơ sở đó sẽ không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, công an nhân dân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp.
Theo Bộ Nội vụ, đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì thời gian, chức vụ sau khi kết nạp Đảng lần sau được xét khen thưởng.
Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc, quân hàm, hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo.
Bộ Nội vụ nêu rõ, hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước).
Thẩm quyền của người đứng đầu
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị quy định rõ thời hạn đình chỉ chức vụ và công tác đối với công chức, viên chức bị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố hoặc chờ xử lý vi phạm.
Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bộ Nội vụ đã rà soát các quy định có liên quan đến tạm đình chỉ công tác để kịp thời thể chế hóa các quy định của Đảng. Hiện nay, nội dung về tạm đình chỉ công tác đối với công chức đã được bổ sung tại Nghị định 116/2024.
Đồng thời, Nghị định 71/2023 đã quy định với cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì “đương nhiên bị tạm đình chỉ công tác”. Trường hợp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định khởi tố bị can nhưng được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý hoặc được phân cấp thẩm quyền quản lý.
Tỉnh Kon Tum đề nghị hướng dẫn việc xử lý kỷ luật các chức danh chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND để đảm bảo thống nhất giữa quy định của luật và Nghị định 112/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định đã quy định đối tượng áp dụng là "cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Việc xử lý kỷ luật các chức danh chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND như kiến nghị của địa phương đã được quy định cụ thể tại nghị định này”, Bộ Nội vụ nêu rõ.
Phó Thủ tướng: Bộ Nội vụ tinh gọn bộ máy tránh để người tài xin nghỉ, người dở ở lại
Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành báo cáo, đề án tinh gọn bộ máy, trình Bộ Chính trị, BCĐ Trung ương