Trong 83 cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được Bộ TT&TT đánh giá từ góc độ trải nghiệm người dùng, chỉ có 2 bộ và 9 địa phương đạt mức tốt.
6 lý do khiến người dân không hài lòng về dịch vụ công trực tuyến
Tại phiên họp chuyên đề “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh, dịch vụ công trực tuyến là trọng tâm của Chính phủ điện tử. Bây giờ là lúc cần thay đổi căn bản cách làm Chính phủ điện tử, cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thay đổi căn bản nhận thức, cách tiếp cận.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã chỉ rõ: “Hai cái căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan Nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh. Hai cái này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.
Báo cáo trước Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 vào chiều ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho hay, trong tháng 3, đoàn công tác liên ngành do Bộ TT&TT chủ trì đã khảo sát về sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại 3 bộ và 9 địa phương. Đây đều là những cơ quan có nhiều dịch vụ công trực tuyến liên quan đến nhiều người dân.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 6 nhóm nguyên nhân cơ bản khiến người dân không hài lòng hoặc gặp lỗi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: lỗi cổng dịch vụ công, thủ tục phức tạp hơn khi làm trực tuyến, lỗi thanh toán trực tuyến, lỗi kết nối và chia sẻ dữ liệu, lỗi kết nối mạng của người dân và lỗi thiết bị của người dân. Trong đó, lỗi của các cổng dịch vụ công chiếm tỷ lệ lớn hơn cả, chiếm 36%.
Để nắm bắt rõ hiện trạng của hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, nửa đầu năm nay, Bộ TT&TT đã tiến hành đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố từ góc độ trải nghiệm của người dùng.
Kết quả đánh giá được phân thành 5 mức, từ tốt nhất đến kém nhất, trong đó tốt nhất là mức độ A với tổng điểm đánh giá đạt trên 90 và kém nhất là mức độ E dưới 50 điểm. “Cổng dịch vụ công đạt mức độ A có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, đặc biệt là có tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt, với thời gian tải trang không quá 2,5 giây và thời gian phản hồi với mỗi thao tác của người dùng dưới 0,2 giây”, đại diện Bộ TT&TT cho hay.
Chỉ 11 bộ, tỉnh có cổng dịch vụ công đạt mức tốt
Cụ thể, theo kết quả đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương vừa được Bộ TT&TT công bố, ở khối các bộ, ngành, mức độ A chỉ có Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng; 4 bộ đạt mức độ B là các bộ Công Thương, Công an, TT&TT và GD&ĐT; 10 bộ đạt mức độ C và 4 bộ đạt mức E.
Đại diện Bộ TT&TT đề nghị 4 bộ đang xếp ở mức độ E về chất lượng cổng dịch vụ công gồm Ngoại giao, Y tế, Tài chính, TN&MT, cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng.
Với khối địa phương, có 9 địa phương được đánh giá mức độ A là thành phố Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP.HCM, Đà Nẵng; 43 địa phương ở mức độ B; 10 địa phương ở mức độ C, 1 địa phương mức độ D là Bạc Liêu và không địa phương nào bị xếp ở mức độ E – mức kém.
Một số nội dung đáng chú ý, theo chia sẻ của đại diện Bộ TT&TT, là Cổng dịch vụ công thành phố Cần Thơ, sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, theo hình thức đầu tư mua sắm giải pháp, có kết quả đánh giá chất lượng cao nhất trong 63 địa phương.
Trong 11 cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đạt mức độ A – tốt nhất, có 2 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, 2 cổng sử dụng giải pháp của Viettel và 7 cổng chọn dùng giải pháp do VNPT cung cấp.
Đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết, hiện các bộ, địa phương đang có xu hướng chuyển dịch dần từ đầu tư sang thuê dịch vụ. Theo thống kê, trong toàn bộ 83 cổng dịch vụ công và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có 39 cổng triển khai theo hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp, với điểm trung bình đánh giá đạt trên 85. 40 cổng triển khai theo hình thức đầu tư mua sắm giải pháp, có điểm trung bình đánh giá là 76 điểm. Như vậy, điểm đánh giá trung bình của các cổng được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ cao hơn 9 điểm so với cổng do bộ, tỉnh tự đầu tư giải pháp.
Để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023, tập trung thực hiện 20 nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ TT&TT hướng dẫn như: Rà soát và chọn các thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương đảm bảo triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới người đứng đầu từng sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn; có chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Đẩy mạnh thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng
Thanh tra phát hiện vi phạm trong ban hành thủ tục hành chính đất đai, đầu tư, xây dựng tại Đà Nẵng