Bộ Y tế: Tự chủ tài chính khiến tuyến dưới 'giữ' bệnh nhân, hạn chế chuyển tuyến
Việc thực hiện tự chủ tài chính làm xuất hiện tình trạng một số bệnh viện tuyến dưới "giữ" bệnh nhân lại điều trị, hạn chế chuyển tuyến trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bộ Y tế đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong báo cáo đánh giá tổng kết 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế phiên bản mới nhất tháng 9/2024, cơ quan soạn thảo thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập.
Bộ Y tế nhận định việc tham gia BHYT đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.
"Tăng sử dụng dịch vụ y tế" là nguyên nhân được chỉ ra. Bộ Y tế cho hay theo khảo sát, người có thẻ BHYT có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn đối tượng khác. Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư y tế hoặc các dịch vụ ngoài danh mục BHYT làm tăng mức trả tiền túi.
Cùng đó, việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi. Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh. Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.
Hiện Quỹ BHYT chỉ chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ y tế được thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh, trong khi có một số dịch vụ y tế có thể được cung cấp bởi cơ sở không phải là cơ sở khám, chữa bệnh như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm.
Về chất lượng khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế nhìn nhận "chưa đáp ứng nhu cầu" của nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Người dân vẫn còn tình trạng vượt tuyến lên tỉnh, Trung ương, dẫn đến quá tải ở tuyến trên, gia tăng chi phí phát sinh không cần thiết, làm cho chi phí từ tiền túi của người bệnh vẫn còn cao.
"Hầu hết bệnh viện tuyến trung ương đều quá tải", báo cáo của Bộ Y tế nêu. Tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên và người dân chưa hài lòng vì thủ tục khám chữa bệnh và phải mất thời gian chờ đợi.
Một nguyên nhân khiến người bệnh giảm niềm tin vào chính sách BHYT là vẫn có tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được vì các lý do khác nhau.
Chưa kể, một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ BHYT sử dụng các thiết bị xã hội hóa trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá. Một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như (quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú...) nhưng một số cơ sở vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.
Một bất cập trong quá trình thực hiện khám chữa bệnh BHYT được chỉ ra là việc thực hiện tự chủ tài chính cho các cơ sở khám chữa bệnh đã làm xuất hiện tình trạng một số bệnh viện tuyến dưới “giữ’ bệnh nhân lại điều trị, hạn chế chuyển tuyến trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Tình trạng chỉ định quá mức cần thiết một số dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán, sử dụng thuốc vẫn xảy ra.
Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đến năm 2022, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo các nhóm, trong đó có 253 đơn vị đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10/2024) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 93,3% dân số tham gia BHYT. Bình quân hàng năm Quỹ BHYT chi trả từ 87-89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11-13%.
Đến năm 2024, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.897 cơ sở, gồm 1.791 cơ sở công lập và 1.006 cơ sở ngoài công lập.
Năm 2022, hơn 13% người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh, tại tuyến trung ương là 1,1%. Chỉ 34% số thẻ đăng ký tại tuyến xã, dù số cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã lên tới gần 10.000 đơn vị.
Từ năm 2021, khi áp dụng thông tuyến tỉnh, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy số lượt điều trị nội trú và khám trái tuyến tăng tại tuyến tỉnh. Một số bệnh điều trị nội trú tại tuyến tỉnh có thể điều trị hiệu quả ở cơ sở, ví dụ như mổ lấy thai, đẻ thường, viêm dạ dày và tá tràng, viêm phế quản cấp, hoặc rối loạn chức năng tiền đình.
3 cách đi khám bệnh không cần mang theo thẻ BHYT giấy vẫn hưởng đủ quyền lợi
2 đối tượng hưởng BHYT 100%, người dân nên biết để hưởng trọn quyền lợi