Bong bóng M&A vỡ tan: Nhiều công ty bán tháo tài sản, chịu lỗ 90% sau các thương vụ bạc tỷ
Các công ty đã chi hàng tỷ USD cho các thương vụ mua lại không hợp thời trong những năm gần đây giờ đây đang phải bán những tài sản đó với giá giảm sâu.
Tập đoàn Alibaba vừa thông báo quyết định bán chuỗi cửa hàng bách hóa Intime tại Trung Quốc cho một tập đoàn dệt may địa phương với giá 1 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 30% giá trị khi Alibaba mua lại vào năm 2017. Gã khổng lồ internet này sẽ ghi nhận khoản lỗ 1,3 tỷ USD từ thương vụ trên, đánh dấu việc họ gần như từ bỏ chiến lược mở rộng thông qua mua lại dưới áp lực của Chính phủ.
Thương vụ này diễn ra chỉ một ngày sau khi BlackBerry công bố sẽ thoái vốn khỏi đơn vị bảo mật điểm cuối Cylance, bán cho công ty khởi nghiệp Arctic Wolf với giá 160 triệu USD cộng một lượng cổ phiếu nhỏ, thấp hơn nhiều so với 1,4 tỷ USD mà họ đã chi ra năm 2018. Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Hoàng gia Canada, dưới sự quản lý của BlackBerry, Cylance đã thua lỗ nặng và doanh thu sụt giảm hơn 50%.
Những động thái này phản ánh xu hướng các công ty đang tỉnh táo lại sau thời kỳ bùng nổ mua bán. Chỉ trong tháng trước, Just Eat Takeaway.com NV đã đồng ý bán dịch vụ giao đồ ăn Grubhub tại Mỹ với giá 650 triệu USD, giảm 90% so với giá mua vào đỉnh điểm đại dịch Covid.
Theo Oliver Scharping, giám đốc danh mục đầu tư tại Berenberg, việc trả giá quá cao là hệ quả tất yếu của thời kỳ cạnh tranh gay gắt trong mua lại tài sản, khi lãi suất thấp và tâm lý thị trường phấn khích đã đẩy định giá lên cao bất chấp yếu tố cơ bản.
“Giờ đây, khi thời đại yêu cầu cái nhìn tỉnh táo, các công ty đang cắt giảm những gì thừa thãi, vứt bỏ những tài sản không hiệu quả và chọn cách trung thực tàn nhẫn thay vì mơ mộng về chi phí đã chìm, dù điều này có thể đồng nghĩa với việc chịu một khoản lỗ hàng tỷ USD”.
Valeriya Vitkova, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Bayes, Đại học City London, cho biết các công ty đã không đánh giá đúng các lợi ích hợp tác và những lợi ích kỳ vọng từ một số thương vụ đã bị thổi phồng.
Tuy nhiên, hiện có thể là thời điểm thuận lợi để thoái vốn khi thị trường M&A đã sôi động trở lại với tổng giá trị tăng 16% lên 3,2 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Những thương vụ thoái vốn giúp các công ty tập trung vào hoạt động cốt lõi. Alibaba đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng mảng thương mại điện tử tại Trung Quốc trước sự cạnh tranh từ PDD Holdings và ByteDance. Trong khi đó, CEO BlackBerry John Giamatteo tập trung vào Internet of Things và nền tảng truyền thông bảo mật để cải thiện tình hình kinh doanh.
Mở lại cánh cửa
Đại diện của Just Eat Takeaway cho biết thị trường đã thay đổi kể từ khi công ty mua lại Grubhub, với sự gia tăng cạnh tranh và sự sụt giảm giá trị trong ngành. Việc bán cho Wonder Group là kết quả "hấp dẫn nhất" và "phản ánh xu hướng hiện tại của doanh nghiệp", đại diện này cho biết.
Một phát ngôn viên của BlackBerry cho biết họ "rất hài lòng" với kết quả đối với Cylance, điều này sẽ giúp cải thiện lợi nhuận và cho phép công ty tập trung vào các động lực tăng trưởng trong danh mục đầu tư của mình. Alibaba không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận.
Các công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội thoái vốn từ những thương vụ mua lại không thành công, vì các thị trường đang thưởng cho sự tập trung và trừng phạt các công ty phình to, Scharping của Berenberg cho biết. Điều này có thể tạo ra những cơ hội tốt cho các nhà mua lại công ty có nguồn tiền mặt dồi dào đang tìm kiếm các món hời, cũng như các công ty cổ phần tư nhân, theo dữ liệu từ Bloomberg cho thấy các công ty này đang nắm giữ 1,6 nghìn tỷ USD vốn đầu tư.
“Việc điều chỉnh giá đã mở lại cánh cửa cho những người mua có chiến lược kỷ luật,” Scharping nói. “Chúng ta đang thấy những kẻ mưu toan tận dụng bảng cân đối tài chính sạch sẽ và tập trung chặt chẽ để mua những tài sản giảm giá với tiềm năng tăng trưởng lâu dài”.
Theo Yahoo Finance