Bữa ăn ở trường học
Gần đây, dư luận xôn xao về chuyện sinh viên một trường đại học ở Hà Nội phải ăn “cơm thừa, canh cặn” đúng theo nghĩa đen của cụm từ này.
Lỗi của ai đã được làm rõ, tuy nhiên dư luận vẫn mong muốn trường học quan tâm nhiều hơn nữa đến các khía cạnh đời sống của sinh viên - học sinh, trong đó có bữa ăn - việc quan trọng không kém so với chuyện học hành.
Chuyện bữa ăn ở trường lớp, từ mẫu giáo đến bậc đại học, không bảo đảm chất lượng, thậm chí gây ngộ độc, đã được báo chí nhắc đến nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và có những chế tài nghiêm khắc, nhưng xem ra vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác.
Mới đây, ngày 9/10, phụ huynh ở Hà Tĩnh đã đăng tải trên mạng xã hội hình ảnh suất ăn ở một trường học tư thục tại địa phương này được ví như “cho người giảm cân”. Suất ăn với cơm chỉ có 2 miếng đậu phụ nhỏ nhồi thịt, 2 miếng ngô luộc, 1 ít canh, 1 quả chuối. Một người bình luận: “Đúng là nếu người đang có nhu cầu giảm cân thì ăn như thế cũng được, còn với học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn thì khó chấp nhận”.
Về thông tin suất ăn trên mạng xã hội, hiệu trưởng trường học nói trên đã xác minh và thừa nhận sự việc là có thật và báo chí chính thống đã đăng tải. Vị này cho biết suất ăn như vậy là kém cả về định lượng lẫn hình thức và cho họp các bộ phận liên quan để cải thiện vấn đề.
Tìm hiểu thêm, mức ăn học sinh ở trường nói trên là từ 48.000 - 60.000 đồng/em/ngày (3 bữa) tùy cấp học. Hình ảnh suất ăn được đưa lên mạng là suất ăn trưa của học sinh khối tiểu học có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/suất.
Ở đây có hai điều đáng phải bàn. Thứ nhất là, với vật giá như hiện nay, liệu mức giá suất ăn 20.000 - 30.000 đồng có đủ lượng và chất cho các em ăn hay không? Đây là điều nhà trường cần tính toán để điều chỉnh.
Các trường học thường lập ban giám sát có sự tham gia của phụ huynh về thực đơn hàng ngày cho học sinh ăn. Tuy nhiên, việc giám sát chủ yếu là thức ăn về số lượng. Điều đáng quan tâm là chất lượng thực phẩm dùng để chế biến cho bữa ăn học sinh như thế nào. Trên thực tế, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trước đây thường do nhà thầu nấu ăn mua trôi nổi, giá rẻ để tăng lợi nhuận.
Do đó, điều thứ hai đáng bàn là, các trường học có nắm được nguồn gốc thực phẩm: rau củ, thịt gà, thịt lợn… mua ở đâu không? Bởi, nếu chỉ trông chờ lương tâm của nhà thầu nấu ăn thì sẽ rất dễ dẫn đến trường hợp học sinh bị ăn loại thực phẩm kém chất lượng.
Như vậy, chú ý đến suất ăn của học sinh nên cả hai khía cạnh lượng và chất. Về số lượng, nhà trường và phụ huynh có thể kiểm soát. Nhưng về chất lượng, nhà trường và phụ huynh nên ký hợp đồng với tổ chức hay người nấu ăn về nguồn gốc thực phẩm, chỉ có như vậy tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học mới giảm thiểu. Khi thực phẩm có nguồn gốc, chất lượng sẽ bảo đảm hơn, việc truy xuất để quy trách nhiệm cũng dễ dàng hơn.
Cuối cùng, mong trường học nói trên, cũng như các trường học khác, nâng cao chất lượng bữa ăn học sinh, nhằm giúp các em phát triển tốt, có sức để học tập và lao động sau này.
Vụ học sinh TP Hồ Chí Minh nghi ngộ độc: tạm ngừng căng tin trường học
Số học sinh nghi ngộ độc thực phẩm ở Kiên Giang đã tăng lên 23 em