Cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu, kỳ vọng thu về 6 tỷ USD trong 2023

06-02-2023 11:11|Hoàng Hải

Với 1,77 triệu tấn cà phê xuất khẩu năm 2022, đạt kim ngạch trên 4 tỷ USD, Việt Nam trở thành “á quân” xuất khẩu trên thế giới chỉ sau Brazil.

Chuyển hướng cà phê chế biến chất lượng cao

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, luỹ kế trong cả năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,77 triệu tấn cà phê các loại với tổng kim ngạch đạt trên 4 tỷ USD, vượt kế hoạch mục tiêu đề ra. So với cả năm 2021, xuất khẩu cà phê cũng đã tăng ấn tượng 13,8% về lượng và 32% về kim ngạch.

Theo đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu cà phê tăng trưởng tích cực đó là ngành hàng này đã chú trọng vào tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê qua chế biến, thay vì đa phần là xuất thô như trước.

Tập đoàn An Thái là tập đoàn gia đình lớn ở Đăk Lăk chuyên xuất khẩu sản phẩm thô thì nay có thêm các dòng sản phẩm phong phú hơn như: Cà phê bột Vua Chồn (King Weasel), Chồn Nâu (Brown Weasel), Gold Coffee..., cà phê sữa 3in1 cà phê hạt rang Arabica, Robusta…mang đặc trưng nét văn hóa cà phê Việt.

Theo các nhà sáng lập cà phê, muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt, muốn đi dài hơi, thì không còn cách nào khác phải phát triển giữ vững thương hiệu Việt, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra giá trị và thu về lợi nhuận rất lớn, từ 20 lần -30 lần.

Đối với thị trường khó tính, doanh nghiệp sẽ chú trọng đến vấn đề đảm bảo chất lượng, và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê, để làm sao khi cà phê đến tay người tiêu dùng thì nó sẽ mang thương hiệu của Việt Nam.

Vượt qua thách thức

Chủ tịch Vicofa cho biết, Việt Nam quyết tâm giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới, tăng kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023 và tăng lên 5-6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 với phương châm “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”.

Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả và cán cân cung - cầu. Năm nay, điều kiện khách quan lớn hơn như lạm phát tăng, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn bị kéo giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu - nơi chiếm trên dưới 45% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc nên thị trường châu Âu vẫn còn khá bấp bênh.

Điều đáng nói là giá xuất thô chưa tương xứng với tiềm năng. Còn giá cà phê rang xay và cà phê thành phẩm ở các nước phát triển vẫn tăng đáng kể, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng cà phê đang cao và chỉ có người trồng cà phê ở các nước đang phát triển như ở ta gặp khó khăn.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam phải định hình được xu hướng tiêu dùng mới cũng như những cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, từ đó đã đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan.Việc đầu tư vào chế biến cũng giúp các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn nguyên liệu và từng bước liên kết với nông dân theo mô hình hợp tác xã, liên minh sản xuất.

Mặt khác, theo một số doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng nguyên liệu, đầu tư chế biến cho xuất khẩu, doanh nghiệp cà phê cũng cần khai thác hiệu quả thị trường tiêu thụ nội địa. Cả nước hiện có gần 30.000 quán cà phê và đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, tuy nhiên lượng cà phê tiêu thụ trong nước vẫn còn khá khiêm tốn.

Tính trung bình toàn thế giới mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, nhưng tại Việt Nam, một trong những quốc gia sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới mức độ tiêu thụ mới đạt 2kg/người/năm.

Phố cà phê đường tàu Hà Nội lại đông đúc, khách Tây trèo rào để chụp ảnh

Giá cà phê hôm nay 22/11: Arabica tiếp tục tăng, nguyên nhân vì sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ca-phe-viet-nam-dung-thu-2-the-gioi-ve-xuat-khau-ky-vong-thu-ve-6-ty-usd-trong-2023-168176.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu, kỳ vọng thu về 6 tỷ USD trong 2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH