Vĩ mô

Cấm tuyệt đối hay đặt ngưỡng để xử lý vi phạm nồng độ cồn?

Đình Hiếu - Quang Phong 13/11/2023 - 07:51

Liên quan đến quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hiện vẫn còn 2 quan điểm khác nhau.

Quốc hội vừa nghe tờ trình và thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những vấn đề được nhiều người dân và đại biểu quan tâm là quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Nhậu hôm trước, hôm sau vẫn nơm nớp lo "dính" nồng độ cồn

Anh Nguyễn Chiến Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ quan điểm ủng hộ việc xử lý nghiêm với những trường hợp vừa nhậu tưng bừng, mặt đỏ gay gắt mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo anh Chiến, trong cuộc sống thi thoảng không ít người vẫn nhậu vào buổi tối, khi đó, họ đã ý thức không điều khiển xe, di chuyển bằng xe dịch vụ. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau họ vẫn nơm nớp nỗi lo điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn.

Anh N.T.H. (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, vào tháng 8/2023 đã bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn với mức 0,036 mg/L khí thở. Anh H. thừa nhận, mình có uống nửa cốc bia từ trưa, đến 20h tối bị kiểm tra thì phát hiện vi phạm.

W-kiem-tra-nong-do-con-1-copy-1.jpg
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại đường Tố Hữu

"Bản thân tôi nhận thấy mình vẫn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì là say xỉn hay mất tập trung. Luật đã ban hành thì việc xử phạt của lực lượng chức năng là đúng. Tuy nhiên, cánh tài xế chúng tôi nhiều lúc cũng trò chuyện và thật sự mong muốn có một ngưỡng vi phạm như trước đây là 0,25 mg/L khí thở để tránh trường hợp uống rượu từ tối hôm trước mà sáng hôm sau vẫn vi phạm, hoặc uống buổi trưa đến tối khuya kiểm tra vẫn bị phạt", anh N.T.H. nói.

Thực tế trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, cũng có những tài xế khi vi phạm nồng độ cồn đã bộc bạch lý do rất trớ trêu.

Cụ thể, ngày 20/10, Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) dừng kiểm tra ô tô mang BKS 20A- 492.XX do một nữ tài xế điều khiển. Qua kiểm tra, nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,045 mg/L khí thở.

Người này tỏ ra bất ngờ về việc vi phạm, đồng thời chia sẻ chỉ uống một cốc bia hoa quả (có nồng độ cồn thấp) từ trưa, đến 21h cùng ngày mới dám lái xe, nhưng khi kiểm tra vẫn vi phạm.

Nữ tài xế bày tỏ: "Tôi đã nghỉ ngơi từ trưa đến tối mới lái xe nhưng không ngờ vẫn có nồng độ cồn. Nếu thiếu tỉnh táo thì không ai điều khiển xe chở theo con mình".

Nên nghiên cứu tỷ lệ vi phạm nhất định với nồng độ cồn?

Trong thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề cập đến quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là không thực tế.

Đại biểu đoàn Bình Dương nêu, nhiều người tối hôm trước liên hoan, sáng hôm sau đo vẫn còn nồng độ cồn. Trong khi đó họ vẫn tỉnh táo để bảo đảm đi làm bình thường.

385533363-6687910544597068-7714201272480731722-n-1-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu cấm ngặt như vậy thì người điều khiển xe thô sơ cũng vi phạm và bị xử lý. Do vậy, theo ông, "nếu uống một chút rượu" mà đi xe đạp cũng bị phạt thì quá trình triển khai luật sẽ phức tạp.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc cấm người uống rượu tham gia giao thông ngay thì đã rõ. Nhưng thực tế, việc người dân uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn, nếu phạt cái này rất băn khoăn. Do vậy, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị nên quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) đề xuất nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là bị xử phạt.

"Luật của các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định nào đó, ta cũng nên nghiên cứu", ông Ấn nói.

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), việc quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện để đảm bảo tính khả thi.

W-kiem-tra-nong-do-con-2010-1.jpg
Đội CSGT đường bộ số 6 kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên phố Miếu Đầm (Hà Nội)

Nêu quan điểm khác, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho biết, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0.

“Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau”, ông Hùng thông tin.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng cho biết đang có 2 luồng quan điểm khác nhau.

Về quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

CSGT mở cao điểm Tết 2025: Công chức vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo về cơ quan

Gặp CSGT, tài xế vi phạm nồng độ cồn xuống xe dắt bộ 'né chốt'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/2-quan-diem-ve-nong-do-con-cam-tuyet-doi-va-nen-co-nguong-vi-pham-2213893.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cấm tuyệt đối hay đặt ngưỡng để xử lý vi phạm nồng độ cồn?
    POWERED BY ONECMS & INTECH