Đây là một di tích cổ bí ẩn mà cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc, cũng như thời gian ra đời ở một vùng quê hẻo lánh.
"Hầm thần của" ở xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam) là một di tích cổ bí ẩn mà cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc, cũng như thời gian ra đời ở một vùng quê hẻo lánh. Tuy nhiên, dọc theo "hầm thần của" đầy bí ẩn, những câu chuyện vừa hư vừa thực từng một thời làm xáo động cả vùng quê chiêm trũng.
Khoảng những năm 1985, ở thôn Thong của xã Thanh Tâm xuất hiện phong trào người người nhà nhà vác cuốc xẻng, mai, móng... lên đồi với mong muốn đổi đời nhờ kho báu vàng ở "hầm thần của".
Một thời gian sau, phong trào tìm vàng lắng xuống, ở Thanh Tâm không còn ai nhắc lại chuyện "hầm thần của" nữa. Thế rồi, gần 30 năm sau, sự xuất hiện của một số cửa hầm đã một lần nữa đào xới những bí ẩn vốn đã bị chôn vùi.
Vào năm 2009, ông Lê Đình Bảng (sinh năm 1964) thuê người đến đào phần đất đồi sau nhà đem bán cho các hộ gia đình có nhu cầu san lấp nền nhà. Khi đào vào cách mặt đường khoảng 20m thì bất ngờ cửa hầm hình cánh cung xuất hiện.
Ông Bảng cho đội đào bới dừng lại để xem xét kỹ lưỡng đó là hầm gì thì nhận thấy cửa hầm bí ẩn này được ngăn chặn bởi những viên gạch có hoa văn hình lưỡi búa, dày từ 3-5cm được xếp khéo léo vừa khít với nhau. Điều kì lạ là những viên gạch này không hề có chất kết dính ở giữa.
Ngay tại cửa hầm có một lỗ nhỏ rộng đủ thò được cả cánh tay vào, nhiều người thử sử dụng que dài cả 10m đưa vào trong mà vẫn không chạm tới đáy của hầm cổ này. Sau khi phát hiện hầm lạ, những người làm thuê cho nhà ông Bảng lúc đó cũng hiếu kỳ và cố tình đào sâu thêm vào 5-6m nữa, nhưng kết quả vẫn không thu hoạch được gì. Đồn đoán về hầm cổ cổ ngày càng lan rộng, không chỉ người dân địa phương mà cả những người ở những nơi khác đến ngỏ ý muốn tìm kiếm bí mật ẩn giấu trong khu hầm cổ này.
Ông Bảng trả lời trên Báo Dân Trí năm 2017: “Từ khi tôi sinh sống tại mảnh đất này, không thấy có chuyện kỳ lạ gì xảy ra, từ sức khoẻ cho đến việc làm ăn của gia đình tôi thấy đều tốt. Dù đã hơn 20 năm phát hiện ra hầm cổ, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng đây là hầm mộ cổ chứ không nghĩ nó là hầm thần của... Phần hầm mộ nằm trong sổ đỏ nhà tôi nên tôi sẽ cố gắng bảo vệ”.
Theo Báo Nông nghiệp, kể từ sau ngày phát hiện ra căn hầm bí ẩn, gia đình ông Bảng thường xuyên phải đón tiếp những vị khách không mời mà đến, từ nhà khảo cổ, đến nhà địa lý, nhà sưu tầm đồ cổ... Ai cũng khẳng định chắc nịch trong đó có kho báu cả tấn vàng, họ sẽ chia kho báu cho ông Bảng nếu ông cho họ vào tìm.
Dù ông cương quyết đuổi những kẻ hiếu kì đó đi nhưng lợi dụng đêm đến, họ sẽ mang theo máy dò tìm âm thầm mò xuống hang nhưng tất cả đều bất lực, không tài nào vượt qua được cửa hầm.
Một cao niên của làng Thong cũng cho hay, khi còn nhỏ từng nghe cha ông kể rằng trước đây người Trung Quốc đã đưa sang cả một đội quân tìm kiếm kho báu. Rồi đến những năm 1967, cũng có một đoàn người Trung Quốc đến "hầm thần của" nhưng do chiến tranh nên người dân thôn Thong không ai quan tâm đến việc họ làm.
Cũng từng về thăm dò tại khu hầm cổ này, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày 12/4/2009 đã đưa ra nhận định được Dân Trí thuật lại như sau: Đây là mộ Hán cổ, có kết cấu mộ gạch cuốn vòm, xếp bằng gạch múi bưởi, hoa văn ô trám, quy mô vào loại trung bình trong phức hợp mộ gạch cuốn vòm, có niên đại khoảng 2.000 năm.
Dựa vào kiến trúc và những hoa văn cổ có trên các viên gạch có thể thấy rằng, lối kiến trúc của những ngôi mộ cổ này thường bắt chước kiến trúc của người sống, tức là trong mộ có gian giữa, gian trước, gian sau nên hẹp về bề ngang nhưng ăn sâu vào lòng núi. Không những thế, tại khu đồi trọc hình vòng cung dài chừng 100m này còn phát hiện thêm khoảng 13 ngôi mộ như thế. Đối chiếu với các tài liệu khảo cổ cho thấy đây là những ngôi mộ Hán cổ, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ I-III (sau Công nguyên), tức là giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc.
Một tài liệu khảo cổ khác có ghi, hầm cổ tại thôn Thong chỉ là hầm mộ cổ chứ không phải là "hầm thần của" cất giấu nhiều vàng, châu báu mà nhiều người đồn đoán bởi "hầm thần của" thường được xây dựng bằng loại gạch đỏ tươi rất đẹp mắt, trên mỗi viên gạch có các hình hoa văn chữ A, chứ không phải là hoạ tiết hình búa hay ô vuông trám như hầm ở thôn Thong.
* Tổng hợp: Báo Vietnamnet, Dân Trí, Tiền Phong, Nông nghiệp Việt Nam