Bất động sản

Cần mở rộng tài khóa để kích thích tăng trưởng

Vũ Lâm 08/10/2023 - 08:00

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, các khu vực sản xuất khó khăn dẫn đến chi tiêu của dân thắt chặt, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, trong ngắn hạn, chính sách tài khóa nên tiếp tục hỗ trợ cho tổng cầu. Ngân sách đầu tư được triển khai đầy đủ, kết hợp với các bước nhằm tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư công, là cách để nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với 5,5% trong năm 2023, qua đó sẽ hỗ trợ cho tổng cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB bổ sung thêm, điều quan trọng là nhanh chóng triển khai chính sách này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Việt Nam cũng cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công, vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.

Theo ADB, thâm hụt tài khóa sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. Quốc hội đã thông qua mức giảm 2,0% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến cuối năm 2023, và chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ được tiếp tục.

nut giao 18.jpg
Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn chưa có tín hiệu tăng tốc như kỳ vọng. Vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2023 ước đạt 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 56% và tăng 20,3%).

Có đến 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch.

Chính phủ cam kết đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chiến lược, quan trọng quốc gia, liên vùng. Hoàn thành, đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài 723,7km; Cao tốc trục Đông - Tây, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội...

Bên cạnh đó, đẩy nhanh thủ tục đầu tư để phấn đấu tiếp tục khởi công một số dự án quan trọng trong cuối năm 2023 như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; cầu Đại Ngãi, Hòa Liên - Túy Loan.

Ở góc độ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng).

Kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).

Bội chi ngân sách nhà nước 03 năm ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), trong phạm vi mục tiêu đề ra (3,7% GDP). Các chỉ tiêu an toàn nợ công từ năm 2021-2023 dự kiến đều trong giới hạn cho phép.

Đến hết năm 2022, dư nợ công là 38% GDP, dư nợ Chính phủ là 34,7% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội. Theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, các mức trần nợ tương ứng là 60% GDP, 50% GDP và 50% GDP. Trong đó, ngưỡng cảnh báo tương ứng là 55% GDP, 45% GDP và 45% GDP.

Với kết quả tăng trưởng khiêm tốn trong 9 tháng đầu năm, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong.

Những khó khăn, thách thức lớn hiện nay cơ bản đã được xác định, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là các cấp, ngành, địa phương phải tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Đặc biệt, đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới. Tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội để phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, tạo động lực mới cho phát triển bền vững.

Vũ Lâm

Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng

Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5%: Nỗ lực điều hành của NHNN giữa thách thức kinh tế

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/can-mo-rong-tai-khoa-de-kich-thich-tang-truong-2199034.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần mở rộng tài khóa để kích thích tăng trưởng
    POWERED BY ONECMS & INTECH