Việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam sẽ tạo sự công bằng trong quản lý, bảo vệ người dùng tốt hơn, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.
- Bài 1: Xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại: Chuyện không mới
- Bài 2: Làm sạch không gian mạng
- Bài 3: Chỉ có quản lý bằng pháp luật hoạt động livestream mới đi vào nề nếp
- Bài 4: Ngăn chặn người vi phạm trên Internet cần quan tâm đến tính khả thi
- Bài 5: Nhà mạng lên tiếng việc ngắt Internet người vi phạm pháp luật
Mặc dù việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đã được đề cập đến trong Luật An ninh mạng, nhưngnhiều ý kiến cho rằng, hiện việc tuân thủ của các nền tảng xuyên biên giới vẫn chưa đồng đều, cần thiết có quy định bắt buộc và chặt chẽ hơn về vấn đề này trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.
Hiện nay, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam từ cung cấp dịch vụ đến kinh doanh thu tiền như Facebook, Google hay NetFlix, Telegram. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn vị nào đặt văn phòng đại diện trong nước. Trong đó, Facebook và Google dùng văn phòng ở Singapore để quản lý các dịch vụ cung cấp ở Việt Nam, đây là điều gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cũng như người dùng khi đề nghị phối hợp giải quyết các vấn đề xảy ra trên nền tảng này.
Tổng Giám đốc VieON Huỳnh Long Thuỷ cho biết, VieON đã đề cập đến vấn đề này rất nhiều, bởi các doanh nghiệp trong nước cảm thấy có sự bất bình đẳng. Chẳng hạn như một bộ phim muốn được chiếu tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn về cộng đồng, từ hình ảnh trẻ em tới các cảnh “nhạy cảm”, giới tính, ma tuý, thuốc lá, hay về chủ quyền biển đảo… nếu như vi phạm thì ngay lập tức sẽ bị xử phạt, còn các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ của nước ngoài như NetFlix có thể chiếu một cách vô tư không theo quy định nào, khi bị ý kiến thì cùng lắm chỉ hạ xuống.
Vì thế việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam là cần thiết, bởi theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ tại Việt Nam, xin giấy phép và đóng thuế. Đặc biệt về thuế, rõ ràng các nền tảng có thuê bao trả tiền tại Việt Nam, nhưng không thể đánh thuế trực tiếp vì không có văn phòng. Bên cạnh đó, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quy định dữ liệu của người dùng Việt Nam phải được đặt ở trong nước và không được chuyển ra nước ngoài, nhưng các dịch vụ xuyên biên giới hiện nay đều chuyển dữ liệu của người dùng Việt ra nước ngoài, cần phải xử lý vấn đề này như thế nào cũng là một câu hỏi.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS cũng cho rằng, việc các nền tảng xuyên biên giới phải đặt văn phòng tại Việt Nam đã được nhắc tới nhiều lần và cũng đã được đề cập phần nào trong một số luật, nghị định gần đây.
Các nền tảng xuyên biên giới có thu thập dữ liệu của người dùng Việt Nam, thu lợi từ các hoạt động tại Việt Nam nên phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng, hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm. Việc đặt văn phòng tại Việt Nam thực ra sẽ là cần thiết để các công ty xuyên quốc gia có thể đáp ứng, tuân thủ đúng, đủ các nghĩa vụ nói trên.
Về góc độ người kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới, ông Lê Hoàng Trọng, Chủ tịch công ty giải pháp công nghệ Vĩnh Thịnh chia sẻ, việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Facebook hay Netflix phải đặt văn phòng tại Việt Nam là rất cần thiết. Việc không có văn phòng tại Việt Nam khi giải quyết các vấn đề khiếu nại của người dùng, đặc biệt là về bản quyền, các đơn vị này phản hồi rất lâu và cũng rất khó để phối hợp giải quyết.
Nhiều lần ông phản ánh các kênh vi phạm bản quyền trên Youtube, người vi phạm bản quyền lại kháng nghị và làm giả hồ sơ để nhận nội dung đó là của mình và lúc này Youtube lại bật lại kênh vi phạm bản quyền đó cho họ, đồng thời nói ông kiện ra toà mới có thể xử lý. Tuy nhiên, vì chủ kênh vi phạm làm giấy tờ giả không thể kiện nên việc xử lý rất lâu, nếu Youtube hay Facebook có văn phòng tại Việt Nam việc này sẽ rất dễ để phối hợp xử lý khi có thể trình đầy đủ giấy tờ xác nhận của công an về hồ sơ làm giả của bên vi phạm.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Viết Quân, CEO của Tanca cho rằng, các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ vào Việt Nam hiện nay rất nhiều, từ mạng xã hội, game, đến phần mềm… do vậy cần xem xét tính khả thi khi yêu cầu tất cả đều đặt văn phòng ở Việt Nam. Dù vậy chúng ta cũng nên quy định cho những nền tảng có lượng truy cập lớn, quản lý dữ liệu người dùng và quy mô kinh doanh lớn, cần phải đặt văn phòng để phối hợp làm việc với cơ quan chức năng hay người dùng khi có vấn đề xảy ra.
Bài 7: Quản lý cần tạo sự công bằng và theo kịp sự phát triển
Chế pháo nổ theo YouTube, 4 nam sinh nhập viện cấp cứu
Chàng trai Đà Nẵng cơ bắp lực lưỡng, miệt mài móc len thành các món đồ hút khách